Tổng số gia cầm mắc bệnh là 23.819 con và tổng số gia cầm tiêu hủy là 30.777 con. So với ngày 16-2, thêm một ổ dịch xuất hiện tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể tại hộ chăn nuôi ở tổ 11, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, dịch cúm làm 250 con gia cầm chết. Số gia cầm còn lại là 700 con bị tiêu hủy. Chi cục Thú y đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Tiêu hủy gia cầm mắc cúm ở xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi - Ảnh: Trần Mai
Ngoài các ổ cúm tại 11 tỉnh, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan. Cục cũng đã thành lập 15 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương.
Chiều 17-2, ông Lê Muộn - phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam - cho biết đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh đang ổn định, cơ bản địa phương đang kiểm soát được dịch và không có phát sinh ổ dịch cúm gia cầm mới. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Nam đã tiêu hủy hơn 11.000 con gia cầm (chủ yếu là vịt). Ngoài ra, những đàn gia cầm không phải trong ổ dịch, khi tiến hành tiêm văcxin bao vây, khống chế khi tiêm có phản ứng với văcxin, cơ quan chức năng cũng tiến hành tiêu hủy hơn 6.600 con.
Hiện Chi cục Thú y Quảng Nam đã xuất 60.000 liều văcxin cúm gia cầm hỗ trợ các địa phương có dịch để tiêm phòng cho các đàn gia cầm. Ngoài ra, chi viện khẩn cấp cho huyện Thăng Bình và Duy Xuyên 2.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid để phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Chi cục Thú y tỉnh đang dự trữ 20.000 lít hóa chất Benkocid, sẵn sàng hỗ trợ các huyện, thành phố khi có yêu cầu.
Trong khi đó tại Quảng Ngãi, địa phương này đã có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan và địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm. Theo đó trong tháng 2 hoàn thành tiêm phòng 100% văcxin cúm gia cầm đợt 1 cho đàn gia cầm của tỉnh và lập biên bản xử lý các chủ chăn nuôi không tiêm phòng.
Trước tình hình trên, hôm nay 18-2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương, triển khai kế hoạch hành động phòng chống cúm gia cầm lây lan sang người. Trong đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa chợ gia cầm sống tối thiểu một ngày/tháng để tiêu độc khử trùng. Các chợ gia cầm sống kèm giết mổ gia cầm phải có khu giết mổ và bán gia cầm riêng. Bên cạnh đó, VN nghiêm cấmviệc nhập lậu gia cầm, kể cả gia cầm biếu tặng giữa cư dân vùng biên giới hai nước Việt - Trung.
Theo cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Trần Đắc Phu, VN chưa nhập khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm chính ngạch từ Trung Quốc, tất cả gia cầm nhập từ Trung Quốc về VN vừa qua đều là nhập lậu, đe dọa bùng phát dịch bệnh. Ông Phu cho biết ngày 22-2, Bộ Y tế sẽ họp trực tuyến với chủ tịch UBND các địa phương để bàn biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan sang người. Theo ông Phu, mặc dù nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát trên người là rất lớn, nhưng người dân ở các vùng dịch vẫn có tâm lý chủ quan như ăn tiết canh, giết mổ gia cầm chết để sử dụng, giết mổ gia cầm không có đồ dùng phòng hộ... Kiểm tra tại các chợ vùng biên, gần nhất là ở Lạng Sơn, nơi có nguy cơ dịch cúm H7N9 xâm nhập rất cao cho thấy chợ gia cầm sống bán lẫn với chợ quần áo, vệ sinh chợ không đảm bảo và rất dễ lây dịch khi có mầm bệnh.
Theo Tuổi Trẻ