Đây là biện pháp ưu tiên số một hiện nay nhằm ngăn chặn virus xâm nhập vào trong nước.
Các địa phương có nhiệm vụ tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại đường biên giới. Không cho buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại các khu vực đường biên và các khu kinh tế mở nhằm tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm. Việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các thị trường tiêu thụ gia cầm được kiểm soát chặt.
Lực lượng thú y TP Móng Cái phun thuốc khử trùng tại các khu vực buôn bán, giết mổ để ngăn chặn dịch cúm gia cầm. Ảnh: TTXVN
Đối với chợ chuyên buôn bán gia cầm sống: Định kỳ đóng cửa chợ để tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi buổi chợ. Người buôn bán, vận chuyển và người mua gia cầm cần sử dụng khẩu trang, găng tay, ủng khi tiếp xúc gia cầm. Trường hợp phát hiện virus cúm A/H7N9 trên các mẫu lấy tại chợ thì sẽ cấm tạm thời việc bán gia cầm sống trong khoảng thời gian tối thiểu bảy ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ, xác minh nguồn gốc của virus trong chợ.
Trường hợp phát hiện virus cúm thu thập từ trại chăn nuôi thì sẽ tiến hành điều tra dịch tễ; tiêu hủy gia cầm trong trang trại, đóng cửa trang trại trong ít nhất 21 ngày và thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn trang trại. Chủ gia cầm bị tiêu hủy sẽ được hỗ trợ như đối với trường hợp hủy do cúm H5N1.
Cũng theo kế hoạch này, Bộ GTVT sẽ ban hành chỉ thị nghiêm cấm các phương tiện vận tải vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các chủ phương tiện vi phạm. Lực lượng thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan được giao nhiệm vụ xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các ga tàu, bến xe, đầu mối giao thông.
TRÀ PHƯƠNG