Theo Cục Thú y, đến ngày 25-2 cả nước có 67 ổ dịch cúm H5N1 tại 21 tỉnh với số gia cầm mắc bệnh và chết hơn 63.600 con. Qua phân tích dịch tễ cho thấy trung bình mỗi ngày xuất hiện hai ổ dịch mới. Theo Cục, thời gian tới nguy cơ xảy ra dịch nhỏ lẻ ở các địa phương là rất cao.
Ngày 25-2, tại buổi báo cáo kết quả công tác phối hợp với các tỉnh và một số biện pháp cần tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm, đại diện Chi cục Thú y TP.HCM cho biết chi cục và các tỉnh thống nhất chỉ có các cơ sở giết mổ công nghiệp mới được phép đưa về TP tiêu thụ, sản phẩm gia cầm giết mổ từ các tỉnh phải đăng ký thương hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Ngoài ra để phòng, chống dịch cúm gia cầm hiệu quả cần kịp thời thông tin tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn giữa các tỉnh trong khu vực. Cung cấp danh sách các cơ sở chăn nuôi gia cầm. Tập trung an toàn dịch bệnh giữa các tỉnh trong khu vực. Phối hợp kiểm tra, giám sát khi tiếp nhận nguồn gia cầm, thủy cầm đưa vào giết mổ.
Cùng ngày, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết đàn gia cầm trên địa bàn TP trước đây tiêm phòng vaccine nhưng vẫn chết ở một số địa phương do vaccine đã tiêm phòng không phù hợp với nhánh virus gây bệnh. Cụ thể năm 2013, Cục Thú y TP Cần Thơ xác định trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ có nhánh virus 1.1, gây bệnh cúm gia cầm nên dùng vaccine 1.1 nhưng qua mẫu gia cầm chết ở một số ổ dịch được tiến hành xét nghiệm cho thấy nguyên nhân do virus A/H5N1 nhánh 2.3.2.1C và trên địa bàn hiện có hai nhánh virus A/H5N1 gây bệnh cho đàn gia cầm. Ông Quỳnh khẳng định qua kiểm tra, rà soát đã xác định nguyên nhân nói trên và loại trừ việc gà nhiễm cúm bị chết do tiêm phòng thiếu liều lượng hoặc không đúng kỹ thuật, quy trình.
T.UYÊN - G.TUỆ - T.NGỌC