'Dịch giả Nguyễn Hiến Lê không vi phạm tác quyền sách'

Ông Thắng là một trong hai người đã được dịch giả Nguyễn Hiến Lê ủy quyền về bản quyền sách của mình trước khi mất.

Sáng 15-8, tại đường sách TP.HCM, Công ty Sách MCBooks đã công bố việc mua tác quyền sách của dịch giả Nguyễn Hiến Lê với sự ra mắt của hai quyển đầu tiên là Đắc nhân tâmQuẳng gánh lo đi và vui sống.

Buổi công bố được tổ chức dưới hình thức một cuộc trò chuyện, giao lưu về sách của dịch giả Nguyễn Hiến Lê với sự tham gia của TS Lê Thẩm Dương, nhà báo-nhà thơ Lê Minh Quốc và nhà thơ Nguyễn Phong Việt.

Nhà thơ Lê Minh Quốc (giữa) đang chia sẻ về sách của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, nhà thơ Nguyễn Phong Việt và MC (trái), TS Lê Thẩm Dương (phải).

Ngoài ra còn có sự có mặt của ông Nguyễn Quyết Thắng (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM, người đang thay mặt gia đình quản lý bản quyền toàn bộ 120 cuốn sách của dịch giả quá cố Nguyễn Hiến Lê); bà Nguyễn Thanh Thúy (Chủ nhiệm Hội quán Các bà mẹ, tiến sĩ văn học-nhà phê bình Trần Hoài Anh, PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh - ĐH KHXH&NV TP.HCM)…

Ông Nguyễn Quyết Thắng (trái) trao tác quyền sách của dịch giả Nguyễn Hiến Lê cho giám đốc MCBooks (giữa).

Ông Nguyễn Quyết Thắng, nay tóc cũng đã bạc trắng ở tuổi 80, chia sẻ: “Học giả Nguyễn Hiến Lê là một người cổ kính nhưng rất hiện đại. Ông hiểu và rất tôn trọng vấn đề bản quyền. Trước khi dịch bản Đắc nhân tâmQuẳng gánh lo và vui sống, ông đều xin phép trực tiếp tác giả. (Dẫn chứng ở trang đầu phiên bản cũ từ những năm 1950-1952). Vừa qua có một công ty làm sách nói với chúng tôi cụ Nguyễn Hiến Lê vi phạm bản quyền sách dịch, điều này làm chúng tôi cảm thấy rất xúc phạm. Nói như vậy là không đúng, là xúc phạm cụ. Mỗi khi dịch quyển sách nào cụ đều xin phép trực tiếp tác giả để mua tác quyền, hay được chính tác giả đó tặng cho tác quyền để dịch. Tôi cùng với một người nữa lúc sinh thời đã được cụ Nguyễn Hiến Lê ủy quyền về việc giữ tác quyền sách cho cụ. Là người gìn giữ gia tài văn hóa của học giả quá cố, tôi vẫn luôn tâm nguyện tìm người đủ tầm và có tâm để phát triển tủ sách Nguyễn Hiến Lê đến độc giả cả nước. Ngày hôm nay, tôi công bố chính thức chọn MCBooks là đơn vị được chuyển giao bản quyền toàn bộ 120 đầu sách của học giả Nguyễn Hiến Lê trong vòng 10  năm”.

Những diễn giả của buổi trò chuyện như ông Nguyễn Quốc Thắng, TS Lê Thẩm Dương, nhà báo-nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Nguyễn Phong Việt đều cùng chung nhận định: Với hai quyển Đắc nhân tâmQuẳng gánh lo đi và vui sống, mặc dù có nhiều bản dịch nguyên tác nước ngoài sang tiếng Việt song bản dịch của dịch giả Nguyễn Hiến Lê luôn được độc giả và giới chuyên môn đánh giá là giá trị nhất, hay nhất, dễ cảm, dễ tiếp thu nhất.

Cạnh đó, những quyển sách dịch học làm người cũng như những tác phẩm do dịch giả Nguyễn Hiến Lê viết luôn là những người thầy, những người bạn tâm giao đầu đời, giúp nhiều thế hệ học sinh-sinh viên rèn nhân cách, lập chí, lập thân vào đời. Cuộc đời ông là một tấm gương tự học cho nhiều thế hệ noi theo.

Vài nét về dịch giả Nguyễn Hiến Lê

Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là một tác giả, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập. Ông có tới 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế... Ông cũng là người được giới trí thức và nhân dân lao động kính trọng vì nhân cách cao quý, cuộc sống thanh bạch, học vấn uyên bác và hiệu quả lao động hiếm thấy.

Xuất thân trong một gia đình nhà nho, Nguyễn Hiến Lê lớn lên ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Tốt nghiệp Trường CĐ Công Chính Hà Nội, ông chuyển vào phía Nam làm việc ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, suốt gần nửa thế kỷ gắn bó với đất phương Nam.

Sau Cách mạng tháng 8-1945, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952, ông chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo. Ông đã làm việc đều đặn, bền bỉ, tập trung năng lực, không để phí thì giờ.

Gặp bà Võ Thị Kim Liên (nguyên giáo viên Trường Mẫu giáo Đồng Tháp và Long Xuyên), con nuôi của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, vốn là cháu ruột của bà Nguyễn Thị Liệp - vợ ông, dòng hồi ức về học giả Nguyễn Hiến Lê như tuôn chảy dạt dào cảm xúc. Nơi đây, những năm xưa ông đi dạy tại Trường Thoại Ngọc Hầu, bà thì dạy ở Trường Nữ sinh Long Xuyên. Nhưng ông bà chưa lấy nhau ngay hồi đó mặc dù rất yêu mến nhau. Cuộc đời đưa ông qua một cuộc hôn phối rồi ông mới có cơ hội ngỏ lời trở lại với người mình thương. Mối duyên trời trao của ông với cả hai cụ bà rất nổi tiếng trong giới trí thức Việt.

Vùng đất Long Xuyên gắn với rất nhiều giai đoạn đặc biệt trong cuộc sống của ông, là nơi ông gửi gắm tình yêu sâu nặng của mình và cũng là nơi ông trở về sau khi tạm biệt Sài Gòn.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm