Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết tại tọa đàm bàn tròn "Hợp tác Chính phủ - doanh nghiệp để đẩy lùi bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP)" giữa Việt Nam và Hà Lan, diễn ra ngày 21-8 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, tính đến đầu năm 2019, Việt Nam có tổng đàn heo khoảng 32 triệu con, đứng đầu ASEAN và thứ hai châu Á. Chăn nuôi heo đã dần hình thành các chuỗi giá trị. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi heo cũng đứng trước nhiều nguy cơ từ dịch bệnh, đặc biệt là bệnh DTHCP.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: CTV
"Nhận thức được vấn đề nguy hiểm của DTHCP, ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, nhưng do đây là loại virus nguy hiểm, chưa có vaccine phòng bệnh nên đã có hơn 4 triệu con heo nhiễm bệnh phải tiêu hủy" - Thứ trưởng Doanh nói.
Tại tọa đàm, bà Christianne Bruschke, Trưởng đại diện Cơ quan Thú y Hà Lan, cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong phòng, chống bệnh DTHCP tại Hà Lan.
Hà Lan có tổng số 130 triệu động vật nuôi. Trong đó có khoảng 12,6 triệu con heo. Hà Lan không nuôi thả vườn làm kinh doanh, thay vào đó là tập trung phát triển chăn nuôi heo tại trang trại.
Khi DTHCP xuất hiện tại Hà Lan vào năm 1997-1998, hàng chục triệu con heo tại đất nước này đã bị tiêu hủy.
"Ngay khi có sự xâm nhập bệnh DTHCP, chúng tôi đóng cửa quốc gia 72 giờ để thu thập thông tin về tình hình dịch tễ, thông tin mầm bệnh, giảm nguy cơ lây lan. Bảo đảm trong 72 giờ không có giết mổ, vận chuyển, lây lan thêm dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức tiêu hủy phòng ngừa tại các trang trại trong bán kính 1 km từ vùng ổ dịch để bảo đảm an toàn cách ly" - bà Christianne Bruschke cho biết.
Nhờ vậy, kể từ năm 1997-1998 đến nay, Hà Lan chưa bị DTHCP bùng phát trở lại lần nào.