Điểm chuẩn vào đại học theo điểm tốt nghiệp sẽ giảm?

(PLO)- Chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp tăng, nhiều chuyên gia tuyển sinh dự báo điểm chuẩn sẽ giảm ở nhiều tổ hợp, nhóm ngành.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố chi tiết phổ điểm thi tốt nghiệp THPT và một số tổ hợp xét tuyển đại học (ĐH), các chuyên gia về tuyển sinh đã có những nhận định ban đầu về điểm chuẩn năm nay.

Điểm chuẩn giảm ở nhiều tổ hợp

GS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng phổ điểm năm nay về cơ bản giữ được ổn định như năm ngoái và không có sự biến động quá lớn. Một số môn có sự phân hóa rất tốt, giúp các trường ĐH yên tâm hơn với kết quả thi này.

Cụ thể, ở môn toán có điểm 8 trở lên năm nay chỉ chiếm hơn 15%, giảm so với 21% của năm ngoái. Môn vật lý cũng tương tự khi giảm từ 22,74% xuống còn 21,3%. Số điểm giỏi ở môn hóa cũng thấp hơn so với năm ngoái khi giảm từ 27,8% xuống còn 22,6%. Riêng điểm môn ngữ văn và môn tiếng Anh có tăng nhẹ số điểm giỏi.

Từ đó, GS Nguyễn Đình Đức dự báo về cơ bản, điểm xét tuyển vào ĐH năm nay sẽ không có biến động lớn. Điểm có thể sẽ không tăng đối với khối ngành khoa học tự nhiên. Thậm chí, nếu tỉ lệ phần trăm chỉ tiêu của các phương thức tuyển sinh khác tăng lên thì điểm xét tuyển giảm 0,5-1 điểm.

Với phổ điểm năm nay, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận định: Với những trường tốp trên, những ngành có điểm chuẩn năm 2022 từ 24 điểm trở lên ở tổ hợp A00 thì năm nay sẽ giảm 0,5-1,5 điểm. Còn ở tổ hợp A01, dự kiến sẽ không thay đổi.

Với tổ hợp B00, vùng điểm chuẩn năm ngoái 24-25 thì năm nay tăng 0,5-1,0 điểm, còn vùng điểm 27-29 sẽ không tăng. Tổ hợp D01, năm ngoái có vùng điểm chuẩn 24-26, dự báo năm nay sẽ tăng 0,5-1,0 điểm.

Riêng các trường tốp dưới, PGS-TS Đỗ Văn Dũng dự báo điểm khối A00 giảm 0,5-1,5 điểm; khối A01 không đổi; khối B00 tăng 0,5-1,0 điểm; khối D01 tăng 0,5-1,5 điểm so với năm ngoái.

Đánh giá việc xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng phổ điểm năm nay cũng tương tự năm ngoái nhưng số điểm tuyệt đối và mức điểm trung bình thấp hơn ở các môn, riêng môn tiếng Anh có tăng nhẹ.

So sánh theo tổ hợp môn, ông Sơn cho hay khối A00 có tổng điểm 29-30, ít hơn năm ngoái một chút, còn mức điểm từ 15 trở lên cũng tương tự năm ngoái. Ở các khối A01, B00, C00 cũng tương tự và sẽ có mức “điểm sàn” chỉ khoảng 15 điểm.

“Tôi dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng 1,0-2,0 điểm ở các khối A00, A01, D01 và giảm tối đa khoảng 1,0-1,5 điểm ở khối B00 và C00” - ThS Sơn nhận định.

Cẩn trọng khi đặt thứ tự nguyện vọng

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay có đến 20 phương thức xét tuyển vào ĐH. Trong đó, đa số phương thức được các trường sử dụng xét tuyển sớm (xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ…).

Thế nhưng, ghi nhận ở các trường ĐH, số lượng thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển sớm giảm mạnh so với năm ngoái. Vì vậy, để tuyển đủ TS, các trường ĐH đều dồn số chỉ tiêu còn lại cho phương thức cuối cùng là xét điểm thi tốt nghiệp THPT nên cơ hội cho TS ở phương thức này khá lớn.

Trước khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, một lượng lớn TS đã có kết quả trúng tuyển ĐH sớm ở nhiều phương thức. Nhưng theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong thời gian từ ngày 10 đến 17 giờ ngày 30-7, tất cả TS muốn xét tuyển vào ĐH bằng phương thức nào cũng phải thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống trực tuyến của bộ để được lọc ảo và trả kết quả trúng tuyển chính thức.

Như vậy, tính đến thời điểm này, TS chỉ còn 11 ngày để thực hiện việc đăng ký. Cùng với kết quả thi và phổ điểm mà bộ đã công bố, các TS cần cân nhắc thận trọng để có cơ hội chính thức vào ĐH.

Thí sinh tìm hiểu và đăng ký xét tuyển đại học tại các trường ở TP.HCM. Ảnh: CTV
Thí sinh tìm hiểu và đăng ký xét tuyển đại học tại các trường ở TP.HCM. Ảnh: CTV

Theo TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, sẽ có ba nhóm TS cần lưu ý xét tuyển ĐH năm nay. Thứ nhất, với những TS đã trúng tuyển sớm vào ngành mình thích, nên chọn ngành đó là nguyện vọng 1 trên hệ thống để chắc chắn trúng tuyển.

Thứ hai, với những TS chưa trúng tuyển và đang dồn hết cơ hội cho xét điểm thi tốt nghiệp, các em nên đặt nhiều nguyện vọng. Ngành, trường nào thích nhất đặt nguyện vọng 1, kế đến là nguyện vọng 2. Cạnh đó, các em nên chọn thêm những ngành tương tự ở trường khác, có điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn để có thêm cơ hội trúng tuyển.

Thứ ba là nhóm TS đã trúng tuyển sớm nhưng vào ngành chưa thật sự thích trong khi điểm thi cao hơn dự đoán, các em nên dành những nguyện vọng đầu tiên cho những ngành, trường mình thích nhất, còn nguyện vọng sau nên đặt những ngành đã trúng tuyển sớm để không bị “vuột” mất cơ hội một cách đáng tiếc, vì các nguyện vọng đều tương đương nhau khi lọc ảo.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng khuyên các em chưa trúng tuyển theo các phương thức khác nên chọn 10-15 nguyện vọng. Trong đó, ngành và trường mình thích nên đặt ở nguyện vọng 1 - nguyện vọng 5, ngành gần đặt ở các nguyện vọng tiếp theo.

Tuy nhiên, ông Dũng lưu ý khi chọn nguyện vọng, TS nên cân nhắc về học phí ở ngành đó, trường đó vì đa số trường ĐH ở Hà Nội và TP.HCM đều có học phí và chi phí rất cao. Vì vậy, với những em có hoàn cảnh khó khăn, nếu không có học bổng thì nên chọn các ngành học mình thích nhưng ở trường ĐH tại địa phương để giảm chi phí cho gia đình.

Còn ThS Phạm Thái Sơn khuyên các TS nên đăng ký nguyện vọng ít nhưng cần chắc chắn, khoảng 3-4 nguyện vọng, vì đăng ký nhiều quá dẫn đến trường hợp “lỡ” đăng ký vào nguyện vọng không ưa thích sẽ mất công mất sức. Việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng rất quan trọng, cụ thể nguyện vọng 1 là ngành nghề mình yêu thích nhất và có điểm trúng tuyển năm ngoái cao hơn điểm thi của mình năm nay một chút. Nguyện vọng 2 là ngành nghề mình yêu thích ít hơn và điểm trúng tuyển năm ngoái bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của TS, cứ như vậy cho đến hết các nguyện vọng.

Không có thí sinh đạt điểm đại học tuyệt đối

Phân tích từ phổ điểm ở bốn tổ hợp xét tuyển ĐH truyền thống và được các trường ĐH sử dụng phổ biến nhất, không có TS nào trên cả nước đạt điểm tuyệt đối 30/30 (tổng điểm ba môn thi).

Cụ thể, đối với tổ hợp A00 (toán, lý, hóa), thủ khoa ở tổ hợp này có hai TS đạt 29,35 điểm. Đó là em Trần Nguyệt Hằng ở TP.HCM và em Nguyễn Mạnh Hùng (Trường THPT Trưng Vương, tỉnh Hưng Yên). Số TS đạt trung bình 9 điểm/môn của tổ hợp A00 toàn quốc chỉ có 2.740 em. Với tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh), thủ khoa năm nay đạt 29,8 điểm, đó là em Mai Duy Anh Quân (Trường THPT Nông Cống 2, tỉnh Thanh Hóa). Quân đạt 10 điểm hai môn hóa và sinh, 9,8 điểm môn toán. Tổng số TS có điểm thi đạt từ 29 điểm trở lên ở tổ hợp B00 chỉ có 23 em.

Ở tổ hợp C00 (văn, sử, địa), cả nước chỉ có một thủ khoa với 29,5 điểm, đó là em Nguyễn Viết Khôi Nguyên (Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Bắc Ninh). Có sáu TS đạt 29,25 điểm. Cuối cùng là tổ hợp D01 (toán, văn, Anh), cả nước có một thủ khoa là em Phạm Thị Vân Anh (Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Hải Phòng) với 28,9 điểm. Em này cũng đạt 28,9 điểm ở tổ hợp A01 (toán, lý, Anh). Ở tổ hợp này, chỉ có 87 em đạt 28-29 điểm.

Trước 17 giờ ngày 22-8 sẽ có kết quả xét tuyển chính thức

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, sau khi biết điểm thi, TS muốn phúc khảo bài thi sẽ nộp hồ sơ từ ngày 18 đến 27-7 tại các đơn vị đăng ký dự thi.

Chậm nhất ngày 5-8 sẽ hoàn thành công tác tổ chức phúc khảo bài thi và công bố kết quả.

Thời hạn đến 17 giờ ngày 30-7: TS phải thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH trên hệ thống trực tuyến của Bộ GD&ĐT (không giới hạn số lần).

Chậm nhất 17 giờ ngày 22-8, các cơ sở đào tạo ĐH sẽ công bố TS trúng tuyển đợt 1.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm