Những ngày qua, Pháp Luật TP.HCM đã thông tin việc cấm diễn, tước vương miện… của Cục nghệ thuật biểu diễn đối với hoa hậu Diễm Hương vẫn chưa đủ căn cứ pháp lý. Sáng 28-3, trong và bên lề Hội nghị tổng kết sau một năm thực hiện Nghị định số 79/2-12/NĐ-CP và thông tư 03/2013/TT-BVHTTDL do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT&DL tổ chức tại TP.HCM, vấn đề được báo chí quan tâm nhất là sự việc cấm hoa hậu Diễm Hương biểu diễn.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn đã trả lời những câu hỏi của báo Pháp Luật TP.HCM, Tuổi Trẻ và Vnexpress xung quanh sự việc này.
Diễm Hương vi phạm Luật cư trú và Hôn nhân và gia đình
. Phóng viên:Việc tước danh hiệu Hoa hậu Thế giới người Việt của Diễm Hương sẽ là ai tước, tước theo quy định nào?
+ Ông Nguyễn Đăng Chương: Việc tước danh hiệu hoa hậu, quyền hạn quy định rõ là đơn vị tổ chức tước. Thế nhưng đơn vị tổ chức phải xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước mà ở đây chính là Bộ VHTT&DL (nơi phê duyệt đề án cho phép tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt).
Trong đề án mỗi cuộc thi đều định rõ việc tước danh hiệu với các hoa hậu sau khi đạt giải. Riêng với Diễm Hương, có hai việc lớn mọi người dễ dàng thấy đó là: Vi phạm nghiêm trọng đạo đức một người nghệ sĩ và vi phạm pháp luật. Cụ thể việc vi phạm pháp luật đó là vi phạm Luật Cư trú và Luật Hôn nhân và gia đình. Diễm Hương đã từng đăng ký kết hôn sau một năm lại đến đúng nơi cư trú đó đăng ký chứng nhận chưa kết hôn. Đây là việc làm cố ý vi phạm pháp luật. Trách nhiệm này cũng ở UBND Phường 10, quận Phú Nhuận, nhưng nếu Diễm Hương không cố ý như vậy thì UBND cũng không thể vướng.
. Việc tước vương miện thuộc về ban tổ chức như ông nói, tuy nhiên vi phạm của Diễm Hương nằm ngoài phạm vi cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt (2010), đó là cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ (2012). Và thời điểm Hoa hậu thế giới người Việt tổ chức thì Quy chế Tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp (thường gọi là Quy chế 87) có hiệu lực, nhưng quy chế này đã bị Nghị định 79 năm 2012 (có hiệu lực ngày 1-1-2013) bãi bỏ. Hành vi vi phạm của Diễm Hương diễn ra trước khi nghị định này có hiệu lực nên không thể căn cứ luật để tước vương miện?
+ Thứ nhất, trong đề án tổ chức cuộc thi ghi rõ, ban tổ chức cuộc thi chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan từ thí sinh, giải thưởng… đến khi cuộc thi kết thúc. Bản thân đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt cũng đã gửi văn bản ra Cục nói rõ những vấn đề trong đề án, và đề nghị Cục có hướng dẫn, Cục đã có văn bản hướng dẫn để đưa ra hình thức xử lý với Diễm Hương theo đúng đề án được phê duyệt. Đề án được phê duyệt cùng quyết định của Bộ cho phép tổ chức cuộc thi là hai cơ sở pháp lý song hành để ban tổ chức và đơn vị tổ chức giải quyết vấn đề phát sinh sau khi cuộc thi đã kết thúc dù thời gian ba năm hay năm năm.
. Tại sao văn bản không có thời hạn cấm diễn với Diễm Hương?
+ Báo chí cứ dùng chữ “cấm”, văn bản của Cục là “tạm dừng”. Giữa “tạm dừng” và “cấm” rất khác nhau. Cục tạm dừng cho phép hoa hậu Diễm Hương tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu... và không đưa ra thời hạn bởi ngay thời điểm đó ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt chưa lên tiếng. Tạm dừng của Cục là trong thời hạn để đơn vị tổ chức này xử lý. Sau khi đơn vị tổ chức xử lý theo thẩm quyền của mình và quy định pháp luật, Cục sẽ có văn bản để trả lời với Diễm Hương và xã hội cụ thể vấn đề tiếp tục hay cấm cho phép biểu diễn như thế nào.
Hoa hậu Diễm Hương trong giây phút đăng quang cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010 - Ảnh: TL
- 7-3: Cục NTBD ra công văn đề nghị các Sở VHTT&DL địa phương tạm dừng cho phép hoa hậu Diễm Hương tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu. Lý do tạm dừng bởi Diễm Hương không trung thực khi khai về tình trạng hôn nhân khi tma dự Hoa hậu hoàn vũ 2012. - 13-3: Cục NTBD có công văn sang Cục Điện ảnh và Cục văn hóa cơ sở đề nghị tạm ngừng các hoạt động quảng cáo, đóng phim của Diễm Hương. - 21-3: Công ty cổ phần Vinpearl, đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010, cuộc thi Diễm Hương đăng quang hoa hậu gửi công văn xin hướng dẫn cơ sở pháp lý để xứ lý vi phạm của Diễm Hương. - 26-3: Cục NTBD trả lời Vinpearl, dựa trên Đề án tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt do Bộ VHTT&DL phê duyệt và Quyết định số 1336/QĐ-BVHTTDL thì Vinpearl và ban tổ chức cuộc thi này đề xuất hình thức xử lý nghiêm khắc đối với Diễm Hương. |
Cục không cấm Diễm Hương đóng phim
. Căn cứ vào đâu để cấm Diễm Hương tham gia đóng phim,hoặc tạo ra một áp lực ngầm để Diễm Hương rút khỏi đoàn làm phim? Bởi thực tế, việc phát sóng phim truyền hình không thông qua kiểm duyệt của Cục Điện ảnh mà theo cơ chế riêng của từng đài.
+ Cục chưa có văn bản nào cấm Diễm Hương đóng phim, chỉ cấm các chương trình biễu diễn trong phạm vi quyền hạn của Cục là nghệ thuật biểu diễn. Sau đó Cục có văn bản gửi các cục liên quan là Cục Điện ảnh và Cục văn hóa cơ sở để phối hợp thực hiện trong mảng điện ảnh và quảng cáo. Cục cũng có văn bản gửi lãnh đạo Bộ để để nghị các bên phối hợp làm sao đảm bảo quyền lợi công dân nhưng cũng phải đảm bảo việc thực thi pháp luật nghiêm.
Khi đại diện Công ty Cát Tiên Sa (nhà sản xuất phim Mỹ nhân Sài thành có Diễm Hương đóng) điện thoại, tôi cũng trả lời thẩm quyền cấm đóng hay không là của Cục Điện ảnh chứ không phải chúng tôi.
Việc bản thân Diễm Hương làm đơn xin rút khỏi đoàn làm phim có lẽ cũng có áp lực và đoàn làm phim cũng có phương án khác. Giả thiết cá nhân của tôi thì nhà sản xuất luôn tính đến yếu tố an toàn, bên cạnh đó ngoài chất lượng nội dung, nghệ thuật họ cũng tính đến tác động xã hội của bộ phim sau khi nó ra đời. Dư luận nhìn vào bộ phim như thế nào nếu trong phim có một diễn viên vi phạm pháp luật?
Hoa hậu Diễm Hương trong sự kiện hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 2013 tại TP.HCM – Ảnh: TL
. Việc căn cứ vào đề án cuộc thi Bộ đã duyệt để xem xét việc tước danh hiệu phải chăng xử lý vụ này chỉ cần dựa vào đề án chứ không cần dựa theo nghị định, thông tư. Vậy đề án có chịu sự quyết định của luật pháp hay không?
+ Trong luật có nhiều khung, luật – nghị định – thông tư thậm chí kể cả các quyết định văn bản nhà nước, văn bản hành chính. Vì vậy phải căn cứ quy định trong đề án cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt để đề xuất, đó là cơ sở pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước trước hành vi vi phạm của Diễm Hương.
Khi nghệ sĩ vi phạm, xử lý nghệ sĩ là một lẽ nhưng đơn vị tổ chức phải chịu trách nhiệm. Từ trước đến nay cũng nhiều trường hợp bản thân nghệ sĩ họ thấy không xứng đáng và tự xin ban tổ chức để rút danh hiệu. Nếu như phương án tự xin rút danh hiệu xảy ra với Diễm Hương thì sự việc sẽ nhân văn hơn, tác động đến dư luận tốt hơn và đỡ khó cho đơn vị tổ chức.
Xin cảm ơn ông!
QUỲNH TRANG
Không có căn cứ pháp lý để tước vương miện Hiện tại, Nghị định 79 năm 2012 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Thông tư 03 năm 2013 (hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 79) không có quy định hay hướng dẫn cụ thể nào về trình tự, thủ tục tước danh hiệu của thí sinh đã đạt giải tại một cuộc thi người đẹp (như cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt). Tuy nhiên, ông cục trưởng Cục NTBD lại cho rằng: Căn cứ vào Đề án tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 đã được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch phê duyệt và Quyết định 1336 ngày 14-4-2010 thì ban tổ chức có trách nhiệm đề xuất, xin ý kiến cơ quan cấp phép trước khi xử lý vi phạm của thí sinh đạt giải. Vì vậy, dù đã 3-5 năm sau khi đoạt giải nếu vi phạm thì Diễm Hương vẫn bị xem xét kỷ luật tước danh hiệu. Theo tôi, một văn bản muốn có tính pháp lý thì phải được ban hành phù hợp với những quy định pháp luật liên quan. Một khi văn bản pháp quy không có quy định mà đề án hay quyết định lại đặt thêm những quy định mới là trái luật, không đảm bảo tính có căn cứ. Văn bản dưới đá chân văn bản trên thì không thể áp dụng văn bản dưới để xem xét xử lý kỷ luật vì vượt thẩm quyền quy định của pháp luật. Tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, tiền hậu bất nhất trong các văn bản của cơ quan chức năng hiện có nhiều. Muốn xử lý vi phạm (nếu có) phải áp dụng văn bản pháp quy. Nếu trong các văn bản chính thống không có quy định thì không có căn cứ để xử lý. Hơn nữa, quy định về xử lý vi phạm thí sinh đạt giải của đề án này chỉ có giá trị trong phạm vi cuộc thi. Nói như ông cục trưởng tức là phải dùng biện pháp chữa cháy, biện tình thế trong xử lý sai phạm của cô hoa hậu. Trước pháp luật, không thể hành xử tùy tiện như vậy. (Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM) - PHƯƠNG LOAN ghi |