Ra tù với tiền án và 2 bàn tay trắng, nhiều người trở nên mặc cảm, không còn ý chí làm lại cuộc đời. Để tiếp sức về mặt tinh thần và hỗ trợ về vật chất, Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự (ANTT) tỉnh Đồng Nai đã trở thành bạn đồng hành cùng người lầm lỗi hoàn lương.
Quán cơm của một người hoàn lương được vay vốn từ Quỹ.
Làm lại cuộc đời với đàn dê, trồng cây giống
Trại dê của cha con ông Nguyễn Văn Minh (56 tuổi) và Nguyễn Hữu Lộc (29 tuổi, ngụ ấp 8, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) được nhiều người biết đến. Tuy nhiên ít ai biết 11 năm trước, cha con ông phải vào tù vì tội cố ý gây thương tích. Ông Minh nhớ lại, năm 2008 ông với ba đứa con đi tù. Mấy người con được tha tù trước, còn ông bảy năm sau mới mãn hạn.
“Mãn hạn, ra ngoài đi làm thuê công việc không ổn định vì mang tiếng tù tội nên người ta không thuê. Biết tin về "Quỹ Doanh nhân với ANTT”, hai cha con làm đơn xin vay vốn làm ăn. Vay được 60 triệu đồng, mua 20 con dê giống rồi vay mượn anh em tiền mua thêm 9 con bò thịt, nay đã ổn định và trả được hết tiền vốn vay của quỹ. Cuộc sống của gia đình đã có chút dư dả”, ông Minh tươi cười cho chúng tôi biết thêm.
Cũng từng vướng vào tù tội và phải cải tạo 4 năm, sau khi ra tù trở về nhà, ông Nguyễn Ngọc Thế Phong ngụ xã Trà Cổ, huyện Tân Phú (Đồng Nai) bắt tay vào sản xuất cây giống, một công việc mà ông rất đam mê. Ông Phong đã mạnh dạn mượn 30 triệu đồng từ Quỹ Doanh nhân với ANTT đầu tư vào việc nhân giống những loại cây ăn trái có năng suất cao, đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển lan rừng, mai cảnh...
Với quyết tâm làm lại cuộc đời, hiện nay lợi nhuận từ việc sản xuất cây giống của ông Phong đã đạt khoảng 700 triệu đồng/năm. “Tuy nguồn vốn không lớn nhưng lại đến đúng lúc nên giúp tôi có cơ hội làm lại từ đầu bằng chính đam mê của mình. Quỹ Doanh nhân với ANTT rất thiết thực tạo cơ hội cho những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, có cơ hội biến ý tưởng kinh doanh và niềm đam mê của bản thân thành hiện thực” - ông Phong nói.
Hoàn lương bằng việc mở quán ăn
Tháng 9-2012, trở về với cuộc sống đời thường, chị Trần Thị Thanh (48 tuổi, ngụ phường Bửu Long, TP Biên Hòa) đối diện với rất nhiều khó khăn khi tuổi đã lớn, bản thân không có công ăn việc làm ổn định. Được sự động viên của người thân, hàng xóm và chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện, chị đã từng bước vượt qua mặc cảm, quyết tâm làm lại từ đầu bằng con đường lao động chân chính. Năm 2014 chị vay 20 triệu đồng từ quỹ, mở tiệm bán hủ tiếu và nước giải khát. Nhờ chịu khó, tiệm của chị Thanh đã thu hút được rất đông khách đến ăn.
Sau gần hai năm kinh doanh có lãi, chị đã trả được tiền vốn lẫn lãi vay trước thời hạn ba tháng, đồng thời làm đơn xin vay thêm 30 triệu đồng để mở rộng việc kinh doanh. Đến nay, cuộc sống gia đình chị Thanh đã ổn định với thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê quán 5 triệu đồng/tháng, chị vẫn dư được 7 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí…
Hay trường hợp của anh Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa), đầu tháng 10 năm 2010 do đua đòi cần tiên tiêu xài Dũng đã dùng xe máy cướp giật tài sản trên địa bàn phường Tam Hiệp. Sau lần đó anh bị Công an bắt về hành vi “Cướp giật tài sản" và bị Tòa án tuyên phạt 42 tháng tù giam, sau khi mãn hạn tù khi về địa phương, về cuộc sống đời thường với bao nỗi khó khăn chồng chất, cuối năm 2016 anh Dũng được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ doanh nhân với ANTT tỉnh Đồng Nai làm vốn buôn bán.
Nhờ chịu khó, nấu ăn ngon và giá cả phải chăng nên tiệm bán cháo vịt của anh Dũng ngày càng thu hút đông khách đến ăn, sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng anh Dũng vẫn dư được 10 triệu đồng; đồng thời tạo việc làm thêm cho 03 thành viên trong gia đình. Trở về đời thường với 2 bàn tay trắng, vậy mà anh được Quỹ Doanh nhân với ANTT tỉnh tin tưởng cho vay tiền làm ăn. Anh Dũng cho biết: “Quán làm ăn rất tốt, nguồn thu nhập ổn định, tất cả đều nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Doanh nhân với ANTT tỉnh. Đã từng lầm lỗi và được sự giúp đỡ nên tôi rất mong những người mang án tù trở về tự nhìn nhận lại lối sống của mình để làm người có ích hơn”.
Đại tá Võ Thị Thu Nguyệt, Trưởng văn phòng Quỹ Doanh nhân với ANTT tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Để đối tượng hoàn lương nắm bắt được chính sách khoan hồng, sự chăm lo của xã hội nhằm tiếp thêm động lực cho họ sống tốt, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ Doanh nhân với ANTT tỉnh. Ban Quản lý Quỹ Doanh nhân với ANTT tỉnh rất mong những người lầm lỗi dùng sự thay đổi tích cực của bản thân, tạo niềm tin cho chúng tôi để chúng tôi được đồng hành, dìu dắt những người lầm lỗi quay về tái hòa nhập cộng đồng và sống hướng thiện”.
Từ khi hoạt động đến nay, quỹ đã tiếp nhận hơn 20 tỉ đồng từ hơn 800 lượt các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Có hơn 1.000 người đã được vay vốn từ quỹ với tổng số tiền quay vòng hơn 26 tỉ đồng. Riêng trong năm 2018, quỹ đã phối hợp các địa phương phối hợp tổ chức mời doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tham dự buổi họp mặt nhằm tuyên truyền quảng bá về quỹ và vận động, quyên góp, ủng hộ quỹ. Kết quả trong năm 2018, quỹ đã vận động được 149 cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ quỹ với số tiền gần 4,6 tỉ đồng. Hội đồng Quản lý quỹ, công an các địa phương rà soát, hướng dẫn, lập hồ sơ và phối hợp văn phòng quỹ thẩm định hồ sơ, đề xuất Hội đồng quản lý quỹ duyệt cho vay vốn 209 trường hợp, tổng số tiền 6,2 tỷ đồng. Phần lớn người hoàn lương được vay vốn đều sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đúng mục đích, chí thú làm ăn, ổn định cuộc sống. |