Diễn biến mới vụ giao ‘nhầm’ giống bưởi ở Hậu Giang

Ngày 28-10, liên quan đến vụ giao giống bưởi Năm Roi nhưng hai năm sau trồng ra trái bưởi Lông Cổ Cò, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho hay đơn vị cung cấp giống đã đến làm việc với người dân.

Đại diện trung tâm giống nông nghiệp Hậu Giang (bìa phải) làm việc lại với nông dân Nguyễn Thanh Hùng (bìa trái) hỗ trợ thêm hai năm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: BT 

Trao đổi với PV, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết sau khi hay vụ việc, ông chỉ đạo trung tâm giống nông nghiệp tỉnh kết hợp với địa phương đến làm việc lại với hộ dân.

Cụ thể, công ty đã cùng Phòng Kinh tế TP Ngã Bảy và địa phương đến làm việc lại với ông Nguyễn Thanh Hùng (nông dân bị giao nhầm giống bưởi) tiếp tục hỗ trợ cho ông thêm hai năm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trước đó, trung tâm giống đã hỗ trợ đổi giống lại cho người dân, đồng thời hỗ trợ phân, thuốc một năm cho bà con.

“Người dân đã hài lòng với cách giải quyết đó, đài địa phương cũng đã phỏng vấn người bị ảnh hưởng và người đó đã phát biểu là tương đối hài lòng” – ông Trần Chí Hùng thông tin thêm.

Cũng theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, thông tin về chuyện một năm nông dân Nguyễn Thanh Hùng thu nhập khoảng 20 triệu từ ba công (3.000 m2) là chưa chính xác. Theo ông, một hecta (10 công đất) lúa có 10-20 triệu/năm, hộ của ông Hùng chỉ có mấy ngàn mét vuông đất thì làm sao thu nhập được vài chục triệu/năm, cao lắm thì 1.000 m2 chỉ hơn hai triệu/năm thôi.

Sau hai năm trồng, giống bưởi Năm Roi lại cho ra trái bưởi Lông Cổ Cò giá trị kinh tê thấp. Ảnh: CHÂU ANH

Để rộng đường dư luận, PV liên hệ với ông Nguyễn Thanh Hùng (ngụ phường Hiệp Lợi, TP Ngã Bảy) để ghi nhận ý kiến của ông sau khi làm việc với trung tâm giống Hậu Giang. Ông Hùng xác nhận tại buổi gặp ngày 27-10, lãnh đạo trung tâm giống hỗ trợ thêm cho ông hai năm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

“Nói chung tôi thiệt thòi nhiều đó, nhưng bây giờ có làm quá thì cũng vậy thôi. Hôm qua lãnh đạo trung tâm giống nói do sai sót nên hỗ trợ thêm hai năm phân thuốc là dĩ hòa vi quý rồi” – ông Hùng nói.

Lý giải về con số thu nhập khoảng 20 triệu/năm trên ba công đất nếu trồng lúa, nông dân Hùng cho biết làm lúa thì mùa trúng mùa thất. Năm nào trúng mùa, trúng giá ba công đất cũng cho thu nhập rất cao, nếu tính trung bình mỗi công đất bình thường có thể thu về tầm hơn 10 triệu đồng.

“Có năm một công kiếm được từ 3-5 triệu đồng, có năm chỉ được từ 1-2 triệu đồng tùy theo trúng hay thất mùa. Nói chung với ba công đất trồng lúa một năm tôi cầm chắc hơn 10 triệu đồng” – nông dân Hùng chia sẻ.

Như vậy, đến nay, trung tâm giống và cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang vẫn chưa giải quyết được vấn đề mấu chốt là: nếu không chuyển đổi sang trồng bưởi mà vẫn trồng lúa thì hai năm qua, nông dân Hùng đã có thu nhập. Trên thực tế, hiện nay ông đã mất hai năm công sức mà chẳng có một đồng nào từ ba công đất của mình. Cạnh đó, ông còn phải bị nợ ngân hàng hàng chục triệu đồng tiền vay để lên liếp trồng bưởi.

Như PLO đã thông tin, năm 2018, TP Ngã Bảy triển khai đề án chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi Năm Roi. Đề án được kỳ vọng là sẽ làm cho nông nghiệp của địa phương sang hướng sản xuất tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao.

Cùng với nhiều nông dân khác ở phường Hiệp Lợi, ông Nguyễn Thanh Hùng đã chuyển hơn ba công (3.000 m2) đất lúa để trồng khoảng 100 gốc bưởi. Tại thời điểm đó, chính quyền địa phương cho vay tiền để lên liếp trồng bưởi và hỗ trợ cây giống là bưởi Năm Roi. Sau hai năm, ông Hùng phát hiện giống được giao là giống bưởi Lông Cổ Cò giá trị rất thấp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới