Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Sức hút từ Việt Nam

(PLO)- Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới là cơ hội để Việt Nam thể hiện sức hút về kinh tế, thu hút đầu tư và học hỏi kinh nghiệm quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc (TQ) từ ngày 25 đến 28-6, theo lời mời của Thủ tướng TQ Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab.

Theo lịch trình, hôm nay (27-6), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự hội nghị thường niên lần thứ 14 các nhà lãnh đạo mới của WEF, còn được gọi là “Diễn đàn Davos mùa hè” tại TP Thiên Tân từ ngày 27 đến 29-6.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Tuấn Khanh, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV, nhận định hội nghị WEF lần này mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển hậu đại dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) dự phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 26-6. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) dự phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 26-6. Ảnh: TTXVN

Cơ hội thể hiện sức hút

Lưu ý đến mức tăng trưởng đáng chú ý 8,02% GDP trong năm 2022, xếp hạng thứ 23 về giá trị xuất nhập khẩu toàn cầu, là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN với Mỹ, TQ và Liên minh châu Âu, TS Khanh lạc quan rằng VN đang là một điểm sáng trong khu vực và trên thế giới. Thành tựu này có được nhờ các cam kết chính sách mạnh mẽ về nhiều vấn đề phát triển như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch.

Hội nghị WEF lần này là “cơ hội cho các nước và doanh nghiệp trên thế giới có thể hiểu rõ sức hút của VN, sức hút từ các chính sách bền vững của nước ta, những thời cơ có thể phục hồi, phát triển” - TS Khanh nhận định.

Nhấn mạnh sáu trụ cột trong chương trình hội nghị WEF lần này, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến TQ trong bối cảnh toàn cầu, TS Khanh cho rằng đây là nỗ lực rõ ràng của TQ mong muốn kết nối và phục hồi phát triển sau thời gian chững lại vì đại dịch. Năm 2023 còn được TQ gọi là “năm đầu tư vào TQ”. Nước này gần đây cũng có nhiều nỗ lực ngoại giao cho thấy quyết tâm phục hồi.

Do đó, theo TS Khanh, “việc Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm TQ và tham dự hội nghị với chủ trương đối thoại nhà nước - doanh nghiệp là cơ hội mở ra những định hướng mới cho doanh nghiệp thế giới, doanh nghiệp TQ và VN trên con đường phục hồi và phát triển”.

Hội nghị WEF tại Thiên Tân quy tụ 1.500 đại diện chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, học giả với chủ đề “Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu”. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề như điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch, TQ trong bối cảnh toàn cầu, ứng dụng đổi mới sáng tạo...

Thu hút đầu tư, học hỏi kinh nghiệm

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Tổng lãnh sự TQ tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường cho rằng chuyến thăm TQ của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này “có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, nhiều biến động và nền kinh tế thế giới suy thoái nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19”.

Ông Ngụy Hoa Tường nhận xét rằng các mục tiêu phát triển Đại hội Đảng Cộng sản VN lần thứ XIII đề ra - tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, nỗ lực thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số và tăng trưởng xanh - rất phù hợp với tinh thần hội nghị WEF.

Vị Tổng Lãnh sự TQ “tin tưởng rằng hội nghị WEF lần này sẽ giúp VN thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp trong khu vực trên thế giới, đặc biệt là với doanh nghiệp TQ, thu hút thêm vốn TQ đầu tư vào VN”.

Trang tin Shanghai Observer dẫn nhận định của nghiên cứu sinh Phó Mộng Tư (Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại TQ) rằng VN có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ TQ về các vấn đề trên con đường chuyển đổi, hiện đại hóa, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến TQ và tham dự hội nghị WEF.

“Hợp tác và trao đổi với TQ có thể giúp VN tìm được vị trí phù hợp hơn trong cấu trúc chuỗi công nghiệp khu vực” - theo chuyên gia Phó Mộng Tư.•

Thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện

Nhân sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm TQ, Tổng lãnh sự TQ tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường đã trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về ý nghĩa “hết sức quan trọng” của chuyến thăm với quan hệ ngoại giao hai nước. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến TQ và cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một thủ tướng VN đến TQ sau bảy năm, diễn ra trong bối cảnh năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Vị Tổng Lãnh sự TQ nhắc đến chuyến thăm thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến TQ năm ngoái và việc lãnh đạo hai nước đã ra tuyên bố chung, vạch ra một kế hoạch tổng thể cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời đại mới. Từ đầu năm đến nay, “trao đổi cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên, giao lưu hợp tác giữa các ban ngành, địa phương được tập trung khởi động, nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai bên từng bước được triển khai”.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến TQ là dịp để hai bên thảo luận về các ý tưởng và biện pháp nhằm triển khai nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao nhất của hai bên đã đạt được và nhiều vấn đề khác, bao gồm tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng và ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng, theo Tổng Lãnh sự TQ.

“Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm lần này sẽ củng cố hơn nữa xu hướng phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước Trung - Việt, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện ngày càng sâu sắc và vững chắc” - Tổng Lãnh sự TQ khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm