Nhiều thách thức phủ bóng Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2023

(PLO)- Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang lâm vào tình trạng “phân mảnh" và an ninh năng lượng là một mối lo nan giải.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Magic Mountain (tạm dịch: Núi thần) - cuốn tiểu thuyết kinh điển của Thomas Mann lấy bối cảnh ở TP Davos (Thuỵ Sĩ) lúc xuất hiện một căn bệnh chết người và nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới - đã được xuất bản cách đây gần một thế kỷ. Tuy nhiên, khi các đại biểu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tập trung tại Davos năm nay (từ ngày 16-1 đến ngày 20-1), thế giới của Thomas Mann lại giống thế giới ta ngày nay đến lạ, tay bút Gideon Rachman của tờ Financial Times viết.

Theo ông Rachman, nỗi ám ảnh bao trùm WEF là nguy cơ thời kỳ hòa bình, thịnh vượng và hội nhập kinh tế toàn cầu lâu dài sắp đi vào dĩ vãng, giống như nó đã từng xảy ra vào năm 1914.

Khẩu hiệu của WEF năm nay là “Hợp tác trong một thế giới phân mảnh”. Sự phân mảnh đó bắt đầu từ đại dịch COVID-19 với việc phong tỏa, đóng cửa biên giới và dứt gãy chuỗi cung ứng. Việc WEF họp trực tiếp trong năm nay có thể được coi là dấu hiệu thế giới đã bình thường trở lại, song việc Trung Quốc (TQ) tái mở cửa lại dấy lên lo ngại về sự xuất hiện của nhiều biến thể mới.

An ninh năng lượng là động lực lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo. Ảnh: WEF

An ninh năng lượng là động lực lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo. Ảnh: WEF

Ngay cả khi tránh được một đợt dịch mới, COVID-19 cũng đã khiến các chính phủ và doanh nghiệp nghĩ khác đi về toàn cầu hóa. Quan niệm về việc hàng hóa luôn có thể được vận chuyển dễ dàng trên khắp thế giới đã bị phá vỡ. Các doanh nghiệp đã chuyển từ chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng “kịp thời” sang “phòng ngừa”, do lo ngại các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu khác có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Các kịch bản từng bị cho là những tình huống xa vời nay lại đang được chú trọng nhiều hơn. Các diễn biến thời tiết khắc nghiệt đang xảy ra thường xuyên hơn, điều này đặt ra câu hỏi về an ninh lương thực và du lịch. Các cuộc tấn công mạng hiện nay cũng đe dọa cơ sở hạ tầng mà nền kinh tế hiện đại dựa vào.

Các mối quan hệ kinh tế toàn cầu đang trở nên căng thẳng

Các doanh nghiệp hiện nay đang phải thay đổi cách thức hoạt động của họ. Có thể thấy rằng sẽ là thiếu khôn ngoan nếu dựa vào chuỗi cung ứng dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiến tranh hoặc các trường hợp khẩn cấp khác. Điển hình như Apple - tập đoàn từng “khoe khoang” về các sản phẩm "được thiết kế tại California, lắp ráp tại TQ" - đang phải đa dạng hóa sản xuất.

Apple giờ đây phải chuyển phần lớn nhà máy sản xuất sang Ấn Độ, không còn chỉ tập trung tại TQ như trước. Đại dịch vừa rồi cũng khiến các doanh nghiệp phương Tây nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Bắc Kinh, và nỗ lực này càng được tăng tốc do nhận thức về các rủi ro địa chính trị.

Bên cạnh đó, chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga phát động ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái cũng cho thấy rằng những “điều không tưởng” vẫn có thể xảy ra. Xung đột ở Ukraine vẫn đang diễn ra rất gay gắt, nguy cơ leo thang hơn nữa vẫn còn ở mức cao. Xung đột hạt nhân là diễn biến đáng sợ nhất và khiến Nhà Trắng vô cùng lo ngại kể từ khi giao tranh bùng nổ. Theo tay bút Rachman, ngay cả khi tránh được nguy cơ đó, mối lo xung đột lan rộng vẫn còn hiện hữu khi vũ khí vẫn đang đổ dồn về chiến trường Kiev.

Ông Rachman nhận định cuộc xung đột đã cho thấy chiến sự có thể khiến các mối quan hệ kinh tế toàn cầu đứt gãy và gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho thế giới. Có thể thấy, việc Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh nhập khẩu năng lượng của Nga đã khiến lạm phát ở châu lục này tăng phi mã và có nguy cơ khiến một số ngành công nghiệp trở nên kém cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nga và Ukraine đều là vựa ngũ cốc lớn của thế giới, cuộc chiến đã khiến giá lương thực leo thang và có thể đẩy hàng triệu người lâm vào cảnh đói kém.

An ninh năng lượng là một mối lo nan giải

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới công bố hồi tháng 10-2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thế giới đang ở giữa "cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự". Cuộc khủng hoảng lần này mang tính đa chiều, liên quan đến nhiều về vấn như an ninh năng lượng toàn cầu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và mối liên hệ giữa khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực.

Thách thức đối với ngành năng lượng ngày nay là làm thế nào để thiết kế lại toàn bộ hệ thống trong khi vẫn duy trì nguồn cung linh hoạt với giá cả phải chăng và bền vững cho hành tinh.

Trong phiên họp “Làm chủ Kinh tế Năng lượng mới" trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của WEF, Giám đốc Điều hành IEA Fatih Birol nhấn mạnh: "Thế giới của chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng sâu và phức tạp như thế này". Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng những lo ngại về an ninh năng lượng hiện nay đã thúc đẩy thế giới chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, gió,...

Ông Martin Wolf - Phó Tổng biên tập kiêm Trưởng ban Kinh tế của tờ Financial Times - cũng đồng tình rằng "mở rộng phát triển năng lượng tái tạo là ưu tiên về khí hậu và an ninh". Tuy nhiên, ông cho rằng để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu vào năm 2030, các nước trên thế giới cần có những biện pháp giảm thiểu rủi ro đầu tư. Theo ông, quy mô đầu tư là một vấn đề cấp bách, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.

Trong phiên họp “Phi toàn cầu hóa hoặc tái toàn cầu hóa” của WEF, ông Adam Tooze - GS tại ĐH Columbia (Mỹ) - cho rằng "quá trình chuyển đổi năng lượng thực sự là một tập hợp các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau". Theo ông, quá trình chuyển đổi năng lượng trong tương lai sẽ là động lực hướng tới "một hình thái toàn cầu hóa mới”.

Nhìn chung, thách thức mà các chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới phải đối mặt rõ ràng tập trung vào an ninh năng lượng, với nhiều người thừa nhận đây hiện là động lực tăng trưởng chính của năng lượng tái tạo. Khi bước vào năm 2023, các chiến lược năng lượng sẽ cần đẩy nhanh đầu tư và xây dựng khả năng phục hồi đồng thời giải quyết vấn đề về khả năng chi trả và tính bền vững, theo WEF.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm