Vào hôm 13-4, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov tuyên bố bất chấp những nỗ lực của Ukraine, Biển Đen sẽ không bao giờ thuộc về lãnh thổ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo đài RT.
Ông Peskov đưa ra phát biểu trên sau khi Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmytro Kuleba, trong bài phát biểu mới đây tại Hội nghị An ninh Biển Đen ở Bucharest (Romania), đã kêu gọi phương Tây “xây dựng một mạng lưới an ninh toàn diện cho tất cả các quốc gia… đang cảm thấy bị đe dọa".
Nga khẳng định Biển Đen sẽ không bao giờ là của NATO. Ảnh: Alexey Pavlishak/REUTERS |
Ông Kuleba cũng nhấn mạnh bây giờ đã đến lúc “biến Biển Đen thành biển Baltic, biển của NATO", đồng thời kêu gọi “phi quân sự hóa" Biển Đen.
“Chúng ta cần cùng nhau giải quyết vấn đề chung liên quan đến Nga. Chẳng hạn, tôi ủng hộ ý tưởng của các chuyên gia về việc tích hợp các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Ukraine với các hệ thống của các đồng minh NATO ở Biển Đen và Baltic” - ông Kuleba cho biết.
Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố “Biển Đen sẽ không bao giờ trở thành biển của NATO”.
“Đây là biển chung, phải là biển hợp tác, tương tác và đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia ven biển và sự an ninh này là không thể chia cắt” - ông Peskov cho hay.
Trong khi đó, Phó Tổng thư ký NATO - ông Mircea Geoana không đưa ra bình luận trực tiếp về lời kêu gọi của Ngoại trưởng Ukraine, song cho biết liên minh quân sự đang tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện ở khu vực Biển Đen, theo hãng tin Reuters.
Ông cũng cho hay một lực lượng chuyên trách chung với Liên minh châu Âu (EU) đã được thành lập để giải quyết các vấn đề cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực này.
“Tôi khuyến khích các quốc gia ở khu vực Biển Đen chấp nhận và thể hiện tích cực với lực lượng chuyên trách mới này vì Biển Đen có cơ sở hạ tầng... chúng tôi cần phải bảo vệ” - ông Geoana nói.
Bên cạnh đó Ngoại trưởng Romania - ông Bogdan Aurescu nói rằng sự hiện diện mạnh mẽ của NATO ở Biển Đen trong tương lai là "điều bắt buộc" và Romania - quốc gia giáp Biển Đen - sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh NATO để mở rộng sự hiện diện luân phiên của liên minh ở Biển Đen.
Biển Đen được bao quanh bởi Nga, Ukraine, Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia. Trong đó, Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thành viên NATO.
Theo Công ước Montreux năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa quyền tiếp cận Biển Đen qua eo biển Bosphorus và Dardanelles ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Sự đối đầu giữa Nga và NATO đã dẫn đến một số sự cố ở Biển Đen. Moscow cáo buộc NATO điều máy bay quân sự đến gần biên giới nước này và trong vùng cấm bay mà Nga thiết lập sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Trong khi đó, Mỹ cho biết việc đóng cửa không phận trên là bất hợp pháp.
Vào giữa tháng trước, hai phi công Nga đã điều khiển tiêm kích Su-27 chặn máy bay không người lái do thám (UAV) MQ-9 của Mỹ trên biển Đen. Lầu Năm Góc cho biết hai tiêm kích Su-27 của Nga đã xả nhiên liệu và va chạm vào UAV MQ-9 Reaper của Mỹ, khiến chiếc UAV này rơi xuống Biển Đen.