“Từ khi có điện đến nay, cuộc sống chúng tôi có nhiều đổi mới lắm. Tôi được xem vô tuyến, có điều kiện phát triển kinh tế, còn con tôi cũng có nguồn sáng để học bài. Điện về như mang đến cho người dân một luồng sinh khí mới, sôi động hơn và ổn định cuộc sống hơn” - bà Nguyễn Thị Hiền (xã đảo Thạnh An, Cần Giờ) chia sẻ như trên.
Cứ nghĩ sống trong bóng tối mãi
Bà Hiền chia sẻ thêm: “Chúng tôi mới có điện chừng mấy năm nay thôi, còn những năm trước đều phải xài đèn dầu, bất tiện lắm. Từ khi có điện, tôi xây thêm phòng trọ để cho khách du lịch thuê, bởi ở đảo nóng lắm mà khách thì muốn xài máy lạnh. Tôi cũng đầu tư dàn máy làm kem, tủ lạnh, hàng tạp hóa, bán thêm cháo dinh dưỡng… Đến nay kinh tế gia đình tôi không còn phụ thuộc vào chài lưới nữa và cũng sung túc hơn nhiều rồi”.
Theo người dân địa phương, khi chưa có điện, người dân sinh sống nhờ vào nghề làm muối, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản với phương pháp thủ công. Tuy nhiên, không mang lại hiệu quả cao, cuộc sống thiếu thốn. Bởi muốn di chuyển vào trung tâm TP thì phải mất hơn 1 giờ đồng hồ đi bằng ô tô và 45 phút đi tàu. Do đó, hơn 1.200 hộ dân sinh sống trên xã đảo gặp nhiều khó khăn, cuộc sống cứ giậm chân tại chỗ.
Nhớ lại những ngày sử dụng đèn dầu, chị Hoàng Thị Lành than thở: “Tôi cứ nghĩ mình phải sử dụng đèn dầu mãi, rồi sống chung với bóng tối, ai dè cuộc sống cũng đã khác rồi. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đảo mình cách huyện những 7 km đường biển thì làm sao mà kéo điện lên được”.
Trước khi thực hiện chương trình nông thôn mới, xã Thạnh An chưa có lưới điện quốc gia, chỉ có một trạm phát điện diesel và 4 km đường hạ thế chỉ đủ cung ứng 6 giờ/ngày. Tuy nhiên, nguồn điện đó là chưa đủ và chi phí vận hành cũng có nhiều tốn kém.
Chị Lành cũng cho hay: “Đến bây giờ nghĩ lại thời không có điện mà sợ, con cái phải học hành trong cảnh đèn dầu leo lét, không được tiếp cận với thế giới xung quanh. Nhiều khi nóng nực, tụi nhỏ đâm ra cãi cọ mà rầu. Đúng là có điện như tiếp thêm luồng sinh khí mới cho người dân vậy”.
Có điện người dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) sẽ phát triển kinh tế tốt hơn. Ảnh: ĐT
Điện về, cuộc sống đổi thay
Chị Bạch Thị Gấm kể lại hồi xưa xã đảo Thạnh An chưa có điện, người dân cơ cực lắm. Khi ấy, bà con cũng chỉ loanh quanh với nghề làm muối, chài lưới… nên đời sống còn nhiều khó khăn. Thậm chí có nhiều hộ dân phải sống trong căn nhà lụp xụp, không có đủ điều kiện xây mới, sửa chữa.
Ông Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, cho biết: Từ khi có điện, cuộc sống người dân xã Thạnh An đã có nhiều đổi thay. Người dân bắt đầu cải thiện cuộc sống bằng cách xài máy lạnh, tủ lạnh, tivi… sử dụng điện vào kinh doanh, sản xuất và bước đầu phát triển du lịch. Từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, hơn 100 hộ dân tại địa bàn đã được Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) xây mới, nâng cấp, sửa chữa.
Từ khi có điện, người dân chuyển đổi phương tiện sản xuất, khai thác thủy sản. Nhờ đó sản lượng bình quân hằng năm đạt khoảng 8.800 tấn/năm, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất hiện đại được đưa vào áp dụng, thu lợi nhuận nhiều nhất là mô hình nuôi hàu, tôm, cua, cá lòng bè; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp… bước đầu đem lại thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc EVN HCMC, cho biết Thạnh An là xã đảo xa nhất, lúc đó điện lưới chưa thể kéo về đảo một phần do thiếu vốn, phần vì thiếu công nghệ hiện đại để kéo cáp qua biển. Đến đầu năm 2011, EVN HCMC đã đầu tư hệ thống điện mặt trời với công suất gần 100 kWp, tổng kinh phí là 14,8 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư của đơn vị, cấp điện phục vụ sinh hoạt cho gần 200 hộ dân trên ấp đảo.
Theo ông Bảo, đây là một trong những dự án điện khí hóa nông thôn bằng điện mặt trời có quy mô lớn hàng đầu tại Việt Nam lúc bấy giờ, đồng thời cũng là mô hình “Làng điện mặt trời” điển hình trong cả nước. Dự án này nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, EVN HCMC đã tích cực triển khai đầu tư, cải tạo hệ thống điện để hoàn thành tiêu chí số 4 về điện nông thôn cho tất cả 56 xã trên địa bàn với tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỉ đồng.
Đến năm 2015 EVN HCMC đã đầu tư hơn 236 tỉ đồng cho công trình xây dựng mới lưới điện 22 kV xuyên rừng cấp điện cho ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây chính là nơi cuối cùng của TP.HCM có điện lưới quốc gia của TP.HCM.
Trong thời gian tới, ngành điện tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển lưới điện theo quy hoạch đồng bộ với quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị tại địa phương. Đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh đầu tư, phát triển đảm bảo cung cấp điện ổn định cho người dân.
Mang lại hơi ấm cho người dân Nhìn vào căn nhà khang trang mà EVN HCMC đã xây tặng, chị Bạch Thị Gấm xúc động nói: “Chỉ có trong mơ vợ chồng tôi mới dám nghĩ đến mình sẽ được sống trong căn nhà khang trang này. Hồi đó cứ mưa lớn, bão về là cả nhà phải chạy bão, ở nhờ. Nay thì khác rồi, tôi được sống trong căn nhà khang trang, các con có điều kiện sống tốt hơn và chúng tôi chỉ lo để ổn định cuộc sống. Ngành điện đã mang lại hơi ấm cho người dân xã đảo chúng tôi”. |