Thậm chí có tình trạng CSGT hoặc người vi phạm gạ cưa đôi mức phạt theo quy định của pháp luật. Bằng cách đó, người vi phạm chỉ phải mất nửa số tiền phạt và khỏi chạy tới chạy lui đóng phạt, CSGT thì bỏ túi số tiền ấy.
Tình trạng này phổ biến đến mức tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác an toàn giao thông (ATGT) sáng 4-1, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình phải chỉ đạo: “Phải xử lý nghiêm các vi phạm, không thể để tình trạng cứ bị dừng xe là rút điện thoại ra gọi, sau đó có tiếng nói người quen là cho đi. Phải kiên quyết chấm dứt tình trạng “cưa đôi” giữa người vi phạm và lực lượng xử phạt”.
Đã có những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ngay sau khi CSGT chặn dừng nhưng “không phát hiện” lỗi của xe vi phạm. Có năm, gần tết, Trạm CSGT Dầu Giây chặn dừng một chiếc xe 50 chỗ chở hơn 100 người, có người nằm cả trong khoang hàng hóa dưới sàn xe. Chiếc xe này trước đó đã vượt qua rất nhiều chốt kiểm soát của CSGT mà… không bị phát hiện. Điều gì xảy ra với những hành khách này nếu chẳng may có va chạm, sự cố dọc đường?
Ngoài tiêu cực thì thói hợm hĩnh, dựa dẫm chức vụ, vị trí của mình hoặc của người thân để can thiệp, xin xỏ bỏ qua lỗi vi phạm, thậm chí dọa dẫm CSGT cũng thường xuyên xảy ra, chủ yếu là cán bộ, công chức hoặc con cháu một số cán bộ có chức vụ. Tháng trước, trên mạng xã hội lan truyền một clip được cho là quay trên quốc lộ 14, trên địa phận Đắk Nông, một thanh niên vi phạm tốc độ bị lập biên bản đã dọa cả cảnh sát: Mấy anh sẽ phải mang bằng lái xuống nhà trả cho em. Đường này là đường của em, em muốn chạy tốc độ bao nhiêu thì chạy… Tuy nhiên, lần này các anh cảnh sát cương quyết lập biên bản.
Một khi vi phạm giao thông được giải quyết bằng điện thoại và “cưa đôi”, Nhà nước thất thu tiền phạt, kỷ cương phép nước bị xem thường và danh dự lực lượng CSGT, thanh tra giao thông đã bị xem nhẹ. “Điện thoại” thực ra là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, để được bỏ qua lỗi vi phạm. Còn “cưa đôi’’ là tham nhũng, là đưa và nhận hối lộ. Và nếu chuyện này xảy ra phổ biến đến mức Phó Thủ tướng phải lên tiếng gay gắt thì với nhiều lần “cưa đôi’’, số tiền tham nhũng không thể gọi là nhỏ.
Tuy nhiên, chuyện “điện thoại’’ và “cưa đôi” như Phó Thủ tướng nói không chỉ xảy ra ở lĩnh vực giao thông mà ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. “Cưa đôi” đã tạo ra các công trình tiền tỉ đắp chiếu, những khu nhà xây dựng trái phép ngay trước mắt cơ quan chức năng, thậm chí nó còn xảy ra trong hoạt động tố tụng, bao che tham nhũng. Khi pháp luật và danh dự được đưa ra bán mua, đổi chác, mặc cả thì sự mất mát không chỉ là tiền phạt, kỷ cương mà cả niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật…
Danh dự, nghĩa vụ công dân, trách nhiệm công chức và uy tín chính quyền là thứ không thể và không bao giờ có thể chấp nhận “cưa đôi”.