Ngày 19-12, diễn viên Dustin Nguyễn, chủ nhiệm kiêm điều hành sản xuất phim Minh Đô đã có buổi gặp gỡ báo chí xung quanh sự việc nhà sản xuất phim đột ngột cắt vai diễn của Dustin, dây dưa hợp đồng chưa thực hiện với ông Minh Đô trong một phim đang bấm máy tại Hội An.
Đây là bộ phim có tên B.Đ do đạo diễn Lê Văn Kiệt thực hiện với nhà sản xuất là Công ty TNHH New Arena, Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam góp vốn và phát hành. Ngoài diễn viên Dustin Nguyễn, chủ nhiệm phim Minh Đô, nữ diễn viên A.P bị từ chối khỏi đoàn làm phim B.Đ, nhiều thành viên đoàn làm phim vẫn chưa có hợp đồng làm việc trong tay dù phim đang quay.
Tại buổi gặp gỡ, diễn viên Dustin Nguyễn chia sẻ: “Tôi đã trong nghề điện ảnh 35 năm trong đó có 14 năm ở Việt Nam với nhiều vai trò từ diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất…
Tôi cũng từng có va chạm thú vị nhưng chưa từng gặp trường hợp như lần này. Vai diễn của tôi là được mời diễn chứ không phải casting nên việc ngưng vai diễn không hề báo cho đến khi tôi về Việt Nam chủ động liên lạc mới biết bị cắt vai thì thật sự tôi bị sốc.
Tôi lên tiếng hôm nay chỉ vì thái độ của họ đối xử với tôi. Chúng ta luôn mưu cầu điện ảnh Việt Nam phát triển? Vậy trước tiên phải là sự đối xử với anh chị em trong làm phim với nhau chuyên nghiệp mới mong sự phát triển chứ?”.
Ông Minh Đô, chủ nhiệm kiêm điều hành sản xuất phim B.Đ; diễn viên Dustin Nguyễn và người mẫu BeBe Phạm (từ trái sang) trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 19-12. Ảnh: QT
Chủ nhiệm kiêm điều hành sản xuất phim B.Đ, ông Minh Đô cũng cho rằng: “Chúng tôi không lùm xùm để đòi lương mà đây chỉ là việc điển hình trong sự không chuyên nghiệp của điện ảnh Việt. Trước khi trách khán giả Việt Nam tệ, quay lưng với điện ảnh thì giới làm phim phải đối xử với nhau đàng hoàng trước. Ai cũng biết ở góc độ hợp đồng làm việc vẫn làm dựa trên uy tín, đạo đức, điện ảnh Việt Nam chưa chuyên nghiệp vì điều đó và cả vì chúng ta không có nghiệp đoàn bảo vệ những điều đó”.
Cả diễn viên Dustin Nguyễn lẫn chủ nhiệm phim Minh Đô với nhiều năm trong nghề, họ từng chứng kiến nhiều trường hợp bị quỵt tiền nhưng không kiện tụng gì. “Việc kiện không đi đến đâu, miếng bánh điện ảnh lại vào tay các ông lớn nên sợ đụng sẽ không được làm việc tiếp, diễn viên, êkíp lại ngậm đắng nuốt cay”, ông Minh Đô nói thêm. Riêng bản thân diễn viên Dustin Nguyễn, 14 năm ở thị trường điện ảnh Việt anh từng bị quỵt cát sê ba, bốn lần.
Thực tế, mỗi diễn viên, thành viên đoàn phim… tại Việt Nam chưa có thói quen cầm hợp đồng chắc chắn mới nhận. Phía các nhà sản xuất của Việt Nam, đa phần làm phim theo kiểu cuốn chiếu, công bố dự án phim rồi tiếp tục gọi vốn… vì thế chính các nhà sản xuất cũng luôn muốn chắc ăn bằng cách không thực hiện hợp đồng làm việc hoặc kéo rê thời hạn làm hợp đồng với diễn viên, êkíp.
Ở các nước, khi có những tranh chấp xảy ra, câu chuyện không chỉ ở tòa án, hầu kiện mà các lĩnh vực đặc thù của sáng tạo nghệ thuật thường được các nghiệp đoàn độc lập đỡ đầu. Tại Mỹ, Nghiệp đoàn diễn viên điện ảnh (SAG) có từ những năm 1930, sau khi sáp nhập với Liên đoàn Nghệ sĩ truyền hình và phát thanh Hoa Kỳ (AFTRA) thành hiệp hội SAG-AFTRA. SAG-AFTRA hiện hơn 160.000 thành viên. Bên cạnh đó, họ còn có Hội đạo diễn Mỹ (DGA) và Hội Biên kịch Mỹ (WGA).
Khi trở thành thành viên của các nghiệp đoàn này, nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn… sẽ có những chính sách ràng buộc để bảo vệ các quyền lợi về kinh tế: Tiền lương các hãng phim phải trả cho hội viên của mỗi nghiệp đoàn, chi phí bảo hiểm, đi lại, phần trăm lợi nhuận từ các tác phẩm họ tham gia... Và khi xảy ra tranh chấp, các nghiệp đoàn sẽ thay mặt hội viên đòi quyền lợi, bảo vệ họ… trước các hãng phim. Các nghiệp đoàn cũng sẽ có trách nhiệm trong việc chăm sóc hội viên khi về già…
Nhìn nghiệp đoàn nước ngoài lại nghĩ đến thực tế ở Việt Nam. Khi diễn viên, các êkíp làm phim Việt Nam… gặp sự cố, họ sẽ bấu víu vào đâu? Ngay cả những diễn viên, nghệ sĩ... may mắn là hội viên Hội Điện ảnh, rất hiếm khi họ được hỗ trợ từ quyền lợi kinh tế đến sáng tạo, từ danh dự nhân phẩm đến đồng tiền đi liền khúc ruột của hội viên.