Vụ CGV: Khách ân ái trong rạp, chủ rạp cư xử thế nào mới phải?

Cặp đôi thể hiện tình cảm thái quá trong rạp chiếu phim của hệ thống CGV những ngày qua đã trở thành chủ đề của rất nhiều sự bàn tán.

Theo lý giải của CGV thì sự phát tán chỉ dừng lại ở mức độ hình ảnh chụp lại màn hình do một nhân viên của hệ thống này thực hiện.

Thật ra, những chiếc ghế Sweetbox (ghế dành cho các cặp đôi với vách ngăn riêng tư) quả thật rất lý tưởng để đôi trai gái có thể nảy sinh nhu cầu “thân mật” vì cho rằng chẳng ai biết đâu.

Đại diện CGV giải thích mục đích lắp đặt camera trong các phòng chiếu là “ghi nhận lại những sự cố ngoài ý muốn cần xử lý nếu có”.

Vậy việc một đôi trai gái thân mật quá đà, thậm chí làm chuyện phòng the thì có được coi là “sự cố ngoài ý muốn hay không”?

Điều này không quá khó để CGV đưa ra lời giải thích, đồng thời có cách thức cư xử đúng mực, có văn hóa với khách hàng.

Một số quy định trong rạp phim luôn kèm câu nhắc nhở Ban quản lý có quyền từ chối cho bạn vào rạp

Bởi có thể những vách ngăn giữa các ghế, bối cảnh tối sáng nhập nhoạng và cường độ của âm thanh cao có thể sẽ che lấp bớt phần nào “diễn biến” trên ghế lúc đó, không khiến người xung quanh chịu quá nhiều ảnh hưởng và vẫn xem phim bình thường.

Có thể vậy nhưng cũng có thể không, vẫn có khách biết nhưng họ không tiện nói. Có lẽ rạp chiếu phim không như một hãng hàng không-có thể cấm bay đối với những trường hợp vi phạm nguyên tắc của họ.

Nhìn rộng ra, ý thức của đôi trai gái nọ đã được đặt ở “ngưỡng tan rã” nhưng trong đời sống thực vẫn đầy rẫy những hành vi vô ý thức được cộng đồng chấp nhận (hay chịu đựng) bằng cách im lặng.

Hà Nội, Thủ đô của cả nước thỉnh thoảng vẫn có thể bắt gặp những người đàn ông vô tư quay mặt vào tường hay hướng nhìn ra hồ để thản nhiên giải quyết nỗi buồn.

Thái độ dứt khoát là điều cần thiết để trị sự vô ý thức của người khác

Mới đây thôi, trong một chương trình hòa nhạc thính phòng, khi nhạc trưởng Honna Tetsuji đang chỉ huy dàn nhạc để phục vụ khán giả thì những tiếng guốc lộc cộc vang lên. Âm thanh ấy được tạo ra từ một người phụ nữ, chị thong thả bước đi ngay lối ra sát với sân khấu. Một tiếng…hai tiếng…rồi nhiều hơn thế nữa, nhạc trưởng quay ra nhìn và cuối cùng thay vì chỉ huy dàn nhạc, ông chống nạnh nhìn theo người phụ nữ cho đến khi chị này khuất sau cánh cửa với một biểu cảm vừa hài hước vừa nghiêm khắc trên nét mặt.

Ý thức của con người không thể chỉ trông chờ vào tự giác hay nhắc nhở, nó phải được điều chỉnh bằng nguyên tắc và sự trừng phạt. Khách xem phim cần nhớ, trước mỗi suất chiếu các cụm rạp đều phát đoạn quảng cáo, cũng là những điều nhắc nhở cho khách lưu ý thực hiện trong suốt quá trình xem phim. Trong đó có đầy đủ các quy định không làm phiền khách khác, gây ồn ào… trong rạp và rạp phim có quyền từ chối phục vụ nếu bạn vi phạm quy định.

Khán giả sử dụng điện thoại tùy tiện đã có thể bị nhắc nhở

Lý ra trong trường hợp này, nhân viên trực camera thay vì hành động khinh suất, thiếu tôn trọng kỷ luật công việc là chụp ảnh đăng mạng mà báo cáo sự việc với cấp quản lý để có phương án “xử lý” cặp đôi kia ngay tại rạp thì mọi chuyện đã khác. Mà như thế mới đúng với chức trách, đúng với cái tầm của một đơn vị làm dịch vụ.

Một câu nói: “Xin lỗi quý khách, chúng tôi từ chối phục vụ các bạn vì các bạn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh” hoàn toàn nằm trong quyền hạn của CGV và khách hàng trong trường hợp này hoàn toàn không có lý lẽ gì để phản biện lại.

Nhưng trên hết, sau sự cố rò rỉ hình ảnh thân mật của khách trong rạp, ngoài việc giải thích và xử lý nhân viên, CGV cần có lời xin lỗi với quý khách hàng nói chung và qua đó, gửi lời xin lỗi đến cặp đôi kia nói riêng. Đó mới là hành xử có văn hóa, thể hiện đạo đức kinh doanh và trách nhiệm đến "thượng đế" của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm