Thỉnh thoảng, một cửa hàng sale-off sập sàn và khách hàng đổ về đông như kiến. Họ chen chúc nhau lựa đồ. Để chứng minh độ “hot” của shop, nhân viên đã chụp lại màn hình camera cảnh lúc nhúc này và đăng lên mạng. Khách hàng dễ tính họ coi đó là bình thường nhưng khách hàng khó tính thì sao? Họ không muốn xuất hiện trên mạng theo cách ấy. Đấy chỉ là chuyện chen nhau mua hàng giảm giá mà còn dễ đụng chạm như vậy nữa là chuyện dễ gây tai tiếng như diễn cảnh nóng trong rạp phim như cặp đôi vừa rồi ở rạp CGV.
Ngày càng nhiều pha kỳ kỳ, lạ lạ được ghi lại bằng camera an ninh được đăng tải lên mạng. Ngoại trừ một số trường hợp để truy bắt, cảnh báo tội phạm thì người đăng các video chỉ nhằm phê phán lối sống, cách sinh hoạt có vẻ chướng mắt của người khác hoàn toàn có thể gặp rắc rối. Truy dấu không khó, chính vì vậy nhân viên tung ảnh nóng của khách đã mang vạ mà cả CGV cũng bị liên lụy.
Có thể nhân viên này quá chướng mắt, khó chịu với hành vi không phù hợp của đôi trai gái hoặc đơn giản chỉ là muốn tám chuyện, gây sốc… nhưng rõ ràng ở vị trí ấy thì hành vi này là rất thiếu chuyên nghiệp. Sau vụ này, các nhà quản lý phải đặt lại vấn đề tuyển chọn người. Không phải vì đó chỉ là công việc đơn giản như tạp vụ, giao hàng mà sao cũng được. Cần tính tới sự chuẩn hóa.
Hình ảnh cặp đôi trong rạp được đưa lên mạng.
Vậy tiêu chí nào là cần có đối với một người làm nhiệm vụ giám sát camera an ninh? Cũng như công an thì phải dũng cảm, chính trực; kế toán thì phải trung thực, hiểu luật; cô giáo mầm non thì phải hiền từ, chu đáo… mỗi nghề nghiệp đều có những đòi hỏi tiên quyết để làm tốt. Tốt ở đây là cho chính nhân viên và cả tập thể. Một người có thẩm quyền xem xét, quản lý, lưu giữ hình ảnh của người khác, làm sao có thể là một người nhiều chuyện, bất cẩn cho được?
Nhân viên trên đã bị CGV cho nghỉ việc và có thể còn phải chịu phạt nhưng mọi việc liệu có dừng ở đó? Khách hàng khi đến với cụm rạp liệu có cảm giác ngài ngại vì lo không biết còn nhân viên nào "thiếu chuẩn" giống người kia không. Lòng tin của khách hàng có thể bị lung lay và nếu các nhân viên “quản” camera ở nhiều nơi khác không giữ được tinh thần khách quan tuyệt đối, xem chỉ để biết và ứng phó kịp thời với sự cố thì khách hàng đi đến đâu cũng như có cặp mắt của người nhiều chuyện giám sát sau lưng. Còn đâu tinh thần thoải mái làm việc, sắm sửa, giải trí nữa? Đừng để camera thay vì bảo vệ khách, bảo vệ cửa hàng bị biến thành kỳ đà cản mũi.
Hình ảnh từ camera an ninh chỉ nên dùng cho mục đích truy xét tội phạm.
Thể hiện sở thích, cảm xúc cá nhân là rất bình thường. Ở mức khác người có thể hóa thành phản cảm nhưng phản cảm vẫn là chuyện cá nhân còn xâm phạm, làm lộ đời tư người khác lại là chuyện năng lực làm vi phạm pháp luật rồi.
Xa hơn, hiện nay nhiều gia đình gắn camera an ninh để bảo an toàn nhưng không ít trường hợp người đi gắn camera lại chính là một tin tặc. Khi đó, người có thể quan sát mọi sinh hoạt trong hộ gia đình ấy không chỉ là người nhà mà còn có cả người lạ. Ai có thể lường được những người này là ma hay Phật, bí mật đời tư của chúng ta có thể bị tiết lộ tới đâu?
Điều này đặt ra vấn đề quản lý chặt chẽ những đơn vị kinh doanh, lắp đặt camera và phải đặt ra yêu cầu về tiêu chuẩn hành nghề, trong đó năng lực bảo mật phải đặt lên hàng đầu. Hình ảnh của một người dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là tài sản cá nhân của họ, không ai có thể tùy tiện sử dụng, nhất là khi đang ở trong những đơn vị, tổ chức mà lý ra phải rất đáng tin.