Điển xa tạp chí: Tất tần tật chuyện xe hơi, luận bàn chuyện...sợ vợ

(PLO)- Điển xa tạp chí (1928-1929) mang nội dung xoay quanh chiếc ô tô, cùng với đó là những câu chuyện tiếu lâm mua vui cho độc giả. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuy chỉ ra được 62 số (số 1 ra ngày 4-2-1928, đến ngày 8-6-1929 thì đình bản) nhưng Điển xa tạp chí được biết đến như tờ tạp chí chuyên môn đầu tiên của Việt Nam phổ biến kiến thức ô tô.

Cung cấp kiến thức về ô tô chưa đủ, tạp chí có thêm những bài viết hài hước nhằm thu hút, cạnh tranh độc giả với sách báo khác. PLO xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tờ tạp chí quý hiếm này.

Điển xa tạp chí là tạp chí đầu tiên tại Việt Nam có nội dung chuyên về ô tô. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Điển xa tạp chí là tạp chí đầu tiên tại Việt Nam có nội dung chuyên về ô tô. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Tất tần tật về xe hơi

Trọng tâm của tờ tạp chí là về chuyên môn ô tô và máy móc, trong số 1 đã có những bài nêu thông tin về “Số xe hơi đối với dân số”, “Chợ phiên bán xe cũ”, “Mấy người mua xe hơi mới phải làm cách nào đặng (để) dùng các xe cho lâu dài”.

Không chỉ nói chuyện mua-bán, hướng dẫn sử dụng ô tô cho các chủ cả, Điển xa bố trí thêm vào các mục thiên về kỹ thuật, dành cho cánh thợ máy như: “Máy lọc khí trời để pha với xăng”, “Cách dùng bạc đạn”, “Xe hơi chết máy”…

Trong Điển xa tạp chí cũng có phần thời sự. Theo dõi mục này, độc giả nắm được các vấn đề liên quan đến tai nạn ô tô và an toàn giao thông, như trong số 10 ra ngày 7-4-1928 tường thuật vụ đâm xe chở đá sỏi với xe đò ở Hớn Quản vào ngày 25-3, hậu quả “sáu người hành khách chết tại trận và hai người khác bị thương”.

Số 5 ra ngày 3-3-1928 mô tả 2 giáo sư trường sư phạm Sài Gòn du hành từ “Saigon qua Paris trên con Fiat 10 ngựa”. “Mấy ông cò ở Cairang (Cái Răng) và Cantho (Cần Thơ) hay bắt mấy người tập cầm máy xe hơi, dầu cho có người sẵn giấy thi ngồi gần một bên, cũng cứ giải đến Biện lý phạt một ngày tù” là nội dung nhan đề “Tập cầm máy xe hơi mà bị phạt năm ngày tù” đăng trên số 60, ra ngày 25-3-1929.

Bên cạnh đó, các cây viết làm dồi dào thêm cho Điển xa thông qua các mục phụ như “Bạn đọc diễn đàn” nhằm thu nhận ý kiến, đóng góp thêm bài vở về ô tô qua các bài “Nên lái xe thế nào” (số 10, ra ngày 7-4-1928), “Đường sá ở Nam Kỳ” (số 14, ra ngày 5-5-1928), “Đường mới rải đá xe nên chạy ra sao” (số 59, ra ngày 30-3-1929); mục “Đá banh” tường thuật xuyên suốt các trận bóng trong và ngoài nước; mục “Giá bạc, giá lúa” cập nhật thông tin thường xuyên giá kim loại quý, nông sản cho điền chủ.

Xong chuyện xe cộ, đến chuyện sợ vợ

Nói chuyện xe cộ chưa đủ, các tác giả bàn thêm chuyện sợ vợ…cho hấp dẫn. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Nói chuyện xe cộ chưa đủ, các tác giả bàn thêm chuyện sợ vợ…cho hấp dẫn. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Trong Điển xa tạp chí, ban biên tập còn chú trọng lưu ý đến vấn đề đạo đức người tài xế, đúng như chủ trương đã đề cập trong số ra mắt: “Chỉ biểu cho người cầm xe và người tập cầm máy xe được rõ thêm cách cư xử với nhân quần xã hội”.

Số 10 ra ngày 7-4-1928 có bài “Sự rủi ro về xe hơi do ở người cầm lái” nhắc nhở người tham gia giao thông chú ý đến luật nhưng không quên quan sát xung quanh nhằm tránh tai nạn với người đi đường: “Người biết cầm lái là người vừa biết chạy xe, vừa thạo luật đi xe, vừa có ý tứ cầm xe, vừa đặng cẩn thận trong sự đi đường, thế mới có thể ngăn ngừa đặng sự rủi ro”. Ngoài ra, đối với tài xế làm công cho chủ, cần hành xử văn minh khi cầm vô lăng: “Lúc ngồi trên xe cầm tay bánh có chủ thì hoặc đội nón trắng hoặc đội nón kết, khi đi một mình thì mới được để đầu không. Khi ở dưới có hút thuốc thì hút đi, lúc ngồi cầm tay bánh chớ nên hút thuốc, dầu có chủ hay không có chủ cũng vậy” – trích bài “Lời giao cùng anh em đồng nghiệp”, số 57 ra ngày 16-3-1929.

Thời điểm Điển xa ra đời, thị trường báo chí trên cả nước tràn ngập nhiều sách báo, tạp chí tư nhân rất ăn khách. Để không bị “ế” trước, tạp chí này sáng tạo thêm những bài viết tiếu lâm nhằm thu hút độc giả.

Đọc bài “Sợ vợ” của Cuồng Sĩ Thất Lang đăng trên số 2 ra ngày 11-2-1928, thấy ông cả nể, “để vợ lên đầu”: “Thường thấy càng lớn càng sợ vợ nhiều, ấy là càng cao danh vọng càng nhiều gian nan. Bởi vậy hễ tôi nghe nói ông nào đó có tánh sợ vợ, tôi hay hỏi sợ nhiều hay sợ ít, nói sợ ít thì tôi kính trọng ít, nói sợ nhiều thì tôi kính trọng nhiều, bằng mà nói ông đó hễ nghe vợ hét thì chết điếng, tôi lập tức biên tên ông ấy đặng khi nào có gặp thì tôi bái cho thiệt sâu”.

Cuồng Đam viết “Thờ Bà” với lý luận hài hước: “Thờ bà không có hại mà sợ. Mấy điều lợi kể ra sau đây: 1/Không dám đi chơi khuya để khỏi hao mòn thân thể, 2/Không mê cờ bạc, như thế khỏi hao su, 3/Không dám rước khách ăn cơm lại khỏi tốn cơm, 4/Không nỡ đi sa đà, tránh khỏi ăn chổi chà, 5/Không dám cưới vợ bé, như vầy khỏi mắc một kiểng hai quê. Thờ bà vậy mà không thờ còn muốn sao nữa, đã mau làm giàu lại thêm sức lực” – trích số 59 ra ngày 30-3-1929.

Xuôi theo trào lưu đăng truyện ngắn đang hút khách vào những năm đầu thế kỷ 20, Điển xa tạp chí dàn trải các trang cuối phần truyện ngắn, truyện dài giúp độc giả thưỡng lãm, như loại tiểu thuyết với “Hai người sốp phơ” của Cổ Nguyệt Nguyên, “Mẹ hiền con thảo” của Hồ Biểu Chánh; truyện ngắn với “Ai mà có dè nó đi xe Lô-ca-xông” của T.V, “Lòng vàng dạ ngọc” của Ngốc Sĩ, “Một đời tiết phụ” của Nguyễn Lệ Hoa…

Tuy gọi là Tạp chí nhưng cách hoạt động của Điển xa mang tính chất là một tờ tuần báo “Xuất bản mỗi tuần một kỳ: Ngày thứ bảy”. Trong cuốn Lịch sử báo chí Việt Nam, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Tòng cho biết tờ này do Lê Quang Liêm sáng lập, chủ bút Hồ Văn Ngươn, quản lý Nguyễn Khắc Nương, nội dung xoay xung quanh vấn đề ô tô. Tòa soạn đặt tại số 72, rue Lagrandière, Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng). Số 1 ra ngày 4-2-1928, đến ngày 8-6-1929 thì đình bản, tổng cộng 62 số.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm