Lượng khách đến với Brussels luôn rất đông nên những người du lịch một mình luôn cần tỉnh táo. Ảnh: Dy Khoa
Theo chia sẻ của Dy Khoa, anh đặt chuyến xe từ Amsterdam về Brussels, dự kiến ở đây hai đêm trước khi về biên giới Pháp. Chuyến xe đến bến xe thủ đô của Bỉ vào cuối giờ sáng. Tuy nhiên, thay vì dừng ngay bến xe như lịch trình thì tài xế lại thả khách ở một địa điểm xa nơi thông báo gần 1 km. “Tôi cũng thủng thẳng xuống xe và xác nhận với tài xế phải nơi đây đúng là điểm mình cần xuống không”, anh nhớ lại. Lúc đó, tài xế khẳng định và anh bắt đầu tìm đường đến khách sạn đã đặt.
Và có lẽ vì một thay đổi bất thình lình mà anh gặp rắc rối. “Tôi lạc vào một đám đông, rất đông người. Tôi cảm thấy hoảng loạn và luôn dặn mình bình tĩnh để làm sao có thể thoát ra khỏi đây an toàn. Họ là những người hung hăng và thách thức những người làm công tác bảo vệ”, nam travel blogger kể. Các ngã đường bị phong tỏa. Khung cảnh hết sức hỗn loạn, họ dường như đang cố gắng gây chú ý với chính quyền sở tại.
Travel Blogger Dy Khoa tại quảng trường trung tâm của Brussels.
Anh nhanh chóng nghĩ rằng bản thân cần thêm vài thông tin để tìm ra cách ứng phó tốt nhất. Đây cũng là kinh nghiệm khi đi nhiều nước mà Dy Khoa có được. Chẳng hạn, trong chuyến đi Ấn Độ hồi năm ngoái, anh đi vào mùa rất nóng nảy sinh sóng nhiệt. Nhờ tìm thông tin trên Twitter nên anh hiểu được cơ chế và cách xử lý.
Quay lại lần này, anh dò tìm các đầu mối thông tin thật nhanh trên các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram. Các trang tin tức tiếng Anh của Bỉ được anh theo dõi trước đó như The Brussels Times, VRT... và Google News là cách nhanh nhất "quét tin" báo chí địa phương. Các từ khoá đáng giá lúc ấy là “Brussels”, “Cảnh sát” bởi gần như 100% tin tức có nhắc đến. Theo phản xạ và linh cảm cá nhân, "tôi không trò chuyện với bất kỳ ai trong dòng người ấy. Bởi bạn sẽ có thể gặp thêm những rắc rối nếu cảnh sát phát hiện có sự trao đổi, giao tiếp. Dù bạn vô tội nhưng sẽ không ai làm chứng để bảo vệ mình cả", anh Dy Khoa lập luận.
Sau khi tìm kiếm và xác định được cuộc biểu tình còn phức tạp, cùng đó là sự may mắn khi đọc được post hướng dẫn từ một nhà báo địa phương trên Twitter, anh cố gắng thoát khỏi đám đông. "Vừa đi, tôi vừa la lên để báo hiệu "Tôi là khách du lịch. Tôi muốn thoát khỏi đây". Dù khá khó khăn nhưng tôi cũng rời ra được. Chạy thật nhanh ra khỏi đám đông là thứ duy nhất tôi phải làm ở thời điểm đó", anh nhớ lại.
Bảo vệ tài sản và giữ tinh thần luôn tỉnh táo là bài học của anh Dy Khoa khi rơi vào tình huống này. “Cảnh sát có thể nhìn nhận được người nào có những biểu hiện bất thường. Tôi dù rất rối nhưng cũng cố gắng bình tĩnh để giải thích cho cảnh sát hiểu để bằng mọi cách rời khỏi đây. Hộ chiếu và lịch trình, đặt phòng khách sạn trở thành lá lệnh bài để cứu bạn khỏi rắc rối”, anh lưu ý.