Em thấy cuộc sống còn vô vàn những thứ phải học, những nơi phải đi và những người cần phải gặp” - một học sinh (HS) chia sẻ cảm xúc của mình khi thuyết trình về dự án “Hạnh phúc màu cam”.
Đây là một trong hai dự án của Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM vượt qua 100 dự án khác để đạt giải nhất cấp TP tại chung kết cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016” do Sở GD&ĐT TP.HCM vừa tổ chức hôm 23-4.
Nó đặc biệt bởi dự án này được thực hiện bằng chuyến trải nghiệm thực tế của 133 HS khối lớp 8 và 12 HS lớp 11 đến với những nạn nhân chất độc da cam dưới sự hướng dẫn của giáo viên môn tin học Nguyễn Thị Ngọc Chuyển. Dự án được tích hợp các môn ngữ văn, tin học, sinh vật và thực hiện trong hơn hai tháng đầu năm 2016.
Tất nhiên, để có được thành công và những bài học đó, các em đã tốn hơn hai tháng trời chia thành nhiều nhóm đi đến các cơ sở như Làng Hòa Bình, Cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Thiên Phước, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi và khuyết tật Thị Nghè... để tìm hiểu tận gốc nguyên nhân và cuộc sống của những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Các em còn được học và tập huấn các kỹ năng, kiến thức liên quan như viết kịch bản, làm phim, chuyên đề về dioxin... Từ những gặp gỡ, cảm nhận với những nhân vật thực tế, các em đã tạo ra những đoạn phim phóng sự, những hình ảnh, poster và cả cuốn nhật ký hành trình đầy xúc động.
Các học sinh đang thuyết trình dự án của mình tại triển lãm . Ảnh: P. ANH
Nói về thành quả các em làm được, chị Quỳnh Hương, phụ huynh có con học dự án này, không khỏi xúc động: “Tôi đã không cầm được nước mắt ở một số đoạn phim do các em quay. Các con đã trưởng thành lên rất nhiều. Tôi tin rằng dự án này không chỉ để lại trong lòng những bạn thực hiện mà còn cho tất cả những ai theo dõi những thước phim mà các con làm”.
Có lẽ đây cũng là dự án để lại ấn tượng nhất cho ban giám khảo về tính nhân văn và sự đầu tư công phu của cả thầy và trò. Quan trọng hơn, nó đã mang lại cho các em những giá trị cuộc sống, những trải nghiệm không bao giờ quên trong cuộc đời học trò mà các em không thể tìm thấy được từ trong sách vở hay miệt mài trong lớp học.
Nhiều dự án khác tham dự cuộc thi này cũng là những lớp học thú vị, những bài học giá trị từ những nỗ lực và sáng tạo của thầy trò. Như khi đến với dự án “Con đã lớn” của cô trò Trường Tiểu học Lạc Long Quân, quận 11 do giáo viên Trương Hồ Trâm Anh hướng dẫn, mọi người cũng không khỏi ngạc nhiên bởi sự tự tin trong giao tiếp và lanh lợi trong công việc của các bạn HS mới chỉ học lớp 5.
Nội dung dự án tưởng chừng như đơn giản cho các em HS lớp 5 trải nghiệm làm những công việc nhà để hình thành kỹ năng tự phục vụ. Thế nhưng sau gần hai tháng thực hiện, các em không chỉ báo cáo rành rọt tiến độ cho giáo viên thông qua các phần mềm tin học mà quan trọng hơn, các em đã hình thành cho mình hàng loạt kỹ năng bổ ích khác như biết làm việc nhà, biết lập thời gian biểu và có kế hoạch thực hiện nó, tự tin và biết làm việc nhóm... khiến nhiều phụ huynh cũng phải ngỡ ngàng.
Tất nhiên để có được những điều đó, cả thầy và trò phải vất vả hơn rất nhiều. Các em không thể bó buộc trong các phòng học hay chỉ tiếp nhận thông tin từ thầy cô mà phải trải nghiệm từ thực tế, tự mày mò tìm kiến thức bằng nhiều cách.
Vì thế, khi đánh giá tổng quan về các dự án này, bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục của Sở GD&ĐT TP, đã thẳng thắn rằng: “Dù là năm đầu tiên nhưng cuộc thi có rất nhiều sản phẩm chạm được vào góc khuất của cuộc sống để giáo dục có chiều sâu và gần với thực tiễn hơn. Đáng nói, giáo viên đứng tên dự án và đi thi nhưng gây bất ngờ nhất cho mọi người lại chính là HS. Điều đó cho thấy HS ngày nay tiềm ẩn nhiều khả năng, quan trọng là giáo viên có tạo cơ hội và môi trường để các em thể hiện hay không mà thôi”.