Điều tiết tín dụng: Cần 'mở đường' cho doanh nghiệp

Trong năm 2022, các chuyên gia dự báo nguồn cung tín dụng vào các lĩnh vực sẽ tăng cao do nhu cầu phục hồi kinh tế. Đặc biệt, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lớn chưa từng có.

Trong bối cảnh ấy, vấn đề điều tiết tín dụng không chỉ được Nhà nước mà cả giới đầu tư, chuyên gia quan tâm. Trong đó có vấn đề điều tiết tín dụng đối với một số lĩnh vực trở thành tâm điểm của dư luận, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định là “tiềm ẩn rủi ro” trong Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành ngày 13-1-2022 như “đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp (DN)…”.

Chủ trương điều tiết tín dụng là đúng

Chỉ thị 01/CT-NHNN bao gồm nhiều nội dung quan trọng phục vụ bảy mục tiêu trọng tâm trong năm 2022. Trong đó, chỉ thị nêu rõ với các đơn vị trực thuộc NHNN trung ương, “…tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu DN…”.

Trước đó không lâu, Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2021, triển khai kết luận của trung ương và nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo NHNN phải luôn lưu ý cơ cấu tín dụng vào các ngành, lĩnh vực để phòng ngừa, kiểm soát rủi ro, bảo đảm phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp đang dần phục hồi sản xuất sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giới chuyên gia nhìn nhận chỉ đạo kiểm soát cơ cấu tín dụng vào các ngành, lĩnh vực nói chung để phòng ngừa rủi ro mà Thủ tướng đặt ra với NHNN là chính xác. Bên cạnh đó, Chỉ thị 01 của NHNN về vấn đề “kiểm soát chặt chẽ tín dụng” với các nhóm ngành đang rất được chú ý như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu DN cũng hoàn toàn dễ hiểu khi nguồn vốn đổ vào các ngành này rất nhiều, thuộc tốp đầu về đầu tư dù là vốn nội địa hay vốn FDI.

Việc một số DN gần đây phát giá mua bán đất “trên mây”, hay như có DN mua bán chứng khoán không minh bạch, không đúng quy định hoặc như giá cổ phiếu một số DN tăng, giảm bất thường… khiến dư luận đặt ra những hoài nghi về kiểm soát và điều tiết dòng tiền. Bối cảnh này cần sự can thiệp của Nhà nước thay vì để “bàn tay vô hình” điều chỉnh thị trường hoàn toàn.

Chính phủ đóng vai trò kiến tạo

Trong bối cảnh dòng vốn đổ vào các ngành được xác định là tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu DN, TS Ngô Minh Hải (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định) cho rằng: “Động lực phát triển của quốc gia phải xuất phát từ các ngành, lĩnh vực tạo ra giá trị bền vững, thay vì phụ thuộc vào bên ngoài hoặc từ chênh lệch “bong bóng” giữa giá trị mua vào và bán ra như cách nền kinh tế đang vận hành. Chính phủ cần đóng vai trò kiến tạo, điều phối và kiến thiết để luân chuyển nguồn lực quốc gia tới đúng nơi cần và phát huy hiệu quả cao nhất. Nếu coi nguồn lực quốc gia là dòng nước thì nước sẽ luôn chảy về chỗ trũng mà không cần phải tác động gì. Nhưng vai trò của một chính phủ kiến tạo là ở chỗ phải quy hoạch, khai thông, mở ra kênh đào, thủy lợi… để có thể điều chuyển nguồn lực này tối ưu”.

Theo ông Hải, có nhiều quan điểm giữa các nhà khoa học để đánh giá hiệu quả của một chính phủ kiến tạo trong điều hành kinh tế nhưng có thể đánh giá hiệu quả công tác điều hành qua các chỉ số cơ bản trong các nhóm sau: (1) Nhóm chỉ tiêu kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu, chi tiêu công); (2) Nhóm hạ tầng kinh tế (nước sạch, điều kiện y tế, hạ tầng giao thông, logistics, năng lượng); (3) Nhóm lao động việc làm, bình đẳng giới; và (4) Nhóm tài chính, ngân sách… và các chỉ tiêu phi tài chính khác. Để thực hiện các mục tiêu ở tầm quốc gia, vai trò của Chính phủ là cực kỳ quan trọng trong nguyên tắc phân bổ nguồn lực có giới hạn để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và hiệu quả.

Đối với Việt Nam, có thể áp dụng một nguyên tắc rất kinh điển trong quản trị là nguyên tắc 80/20. Nguồn lực quốc gia cần được ưu tiên phân bổ cho 10% đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam, có tiềm lực hồi phục mạnh mẽ, tận dụng cơ hội sau đại dịch để tăng trưởng và 10% đối tượng thuộc các bộ phận dễ bị tổn thương nhất sau đại dịch để có thể đảm bảo mục tiêu an sinh, xã hội và công bằng. 80% nhóm đối tượng còn lại của nền kinh tế, với sự năng động vốn có của mình sẽ “biến nguy thành cơ” để tiếp tục tồn tại và phát triển. Nếu tiếp cận như vậy, rõ ràng nền kinh tế cần nhiều nguồn lực phi tài chính như cơ chế, chính sách để cởi trói, kết nối, tạo sân chơi công bằng cho tăng trưởng và phát triển.

Công cụ điều tiết: Không nên “chặn đường kiểm tra”

Để thực hiện các cơ chế, chính sách thì Chính phủ hay NHNN cũng cần những công cụ phù hợp để đảm bảo hiệu quả. Những công cụ này cần tuân theo quy luật thị trường. Nói nôm na, DN dù trong lĩnh vực nào cũng được quyền tiếp cận các nguồn lực chính đáng và được ra quyết định cho nguồn tiền đầu tư họ bỏ ra, miễn là họ không vi phạm pháp luật, các nguyên tắc đầu tư.

“Đôi khi chúng ta xem việc ra các văn bản mang tính định hướng, đi cùng với đó là hoạt động thanh tra, kiểm tra chính là công cụ thực hiện chính sách nhưng điều đó chưa chính xác. Việc thanh tra, kiểm tra chỉ giúp chúng ta xác định được các lỗ hổng chính sách hay đánh giá hiệu quả phần nào của hoạt động chính sách. Nó có hai mặt, một mặt có thể giúp Nhà nước cân chỉnh lại chính sách kịp thời nhưng mặt khác nó cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Mà tâm lý thì rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh” - ông Hải phân tích.

Vì vậy, ông Hải cho rằng ngay từ đầu Chính phủ hay NHNN cần có những quy hoạch mang tính tổng thể, định lượng về cơ cấu tín dụng rõ ràng và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải đảm bảo cam kết. DN cần các công cụ điều tiết tín dụng phù hợp, chứ không phải công cụ kiểm soát tín dụng mang tính mệnh lệnh hành chính. Các công cụ tài khóa có tính “mở đường” thay vì “chặn đường kiểm tra” sẽ giải quyết phần nào điểm yếu của nguyên tắc “bàn tay vô hình”. Khi đó, thị trường cũng sẽ không “tự do ngoài kiểm soát” mà các biện pháp mang tính hành chính cũng không cản trở thị trường vận hành hiệu quả.•

 

Nhà đầu tư cần giỏi kiến thức, kỹ năng

Nói về việc nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu DN… có xu hướng tăng trong thời gian qua, TS Ngô Minh Hải chia sẻ: “Tôi thấy đó là một điều tốt cho cá nhân nhà đầu tư. Điều này thể hiện bức tranh vĩ mô ổn định và Việt Nam khẳng định vị thế cạnh tranh như là một điểm đến an toàn và sinh lợi. Trong bối cảnh khối ngoại đang rút vốn ròng, chuyển dòng tiền qua các thị trường có tiềm năng hơn và chuyển qua các lĩnh vực đầu tư thu hút vốn hơn như đổi mới sáng tạo, kinh tế số (tokenomics), dòng vốn nội trỗi lên thay thế và chiếm lĩnh vị thế dẫn dắt thị trường”.

Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý rằng theo nguyên tắc “bàn tay vô hình” của thị trường, luôn có sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận, giữa ngắn hạn và dài hạn. Khi nhà đầu tư lựa chọn các kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản trong khi thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết và bỏ qua các kênh đầu tư giá trị như sản xuất, thương mại, công nghệ, nông lâm ngư nghiệp… thì đây chính là rủi ro rất lớn không chỉ cho bản thân các nhà đầu tư mà cho cả nền kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm