Điều trị bệnh nhân Ebola: Vì sao kẻ chết, người khỏi bệnh?

Bệnh nhân Thomas Eric Duncan nhiễm Ebola ở Liberia đã tử vong tại Mỹ ngày 8-10. Trong tháng 8 và 9, hai nhà truyền giáo nhiễm Ebola ở Liberia về Tây Ban Nha đã tử vong. Trái lại, một nữ y tá Pháp nhiễm Ebola ở Liberia nhưng được chữa khỏi ở Pháp hồi giữa tháng 9.

Giới y học vẫn chưa rõ vì sao người này tử vong còn người kia lại khỏi bệnh. Báo Le Monde (Pháp) nêu nhiều giả thiết:

Chạy đua với thời gian: Thời gian chữa trị càng nhanh, bệnh nhân có nhiều cơ may khỏi bệnh.

BS Yazdan Yazdanpanah ở BV Bichat-Claude-Bernard tại Paris (Pháp) nhận xét: “Bệnh nhân Ebola tử vong chủ yếu do mất nước vì tiêu chảy và nôn nhiều. Nếu bù đắp ngay bằng muối khoáng và cho uống kháng sinh, chúng ta có thể giảm đáng kể xác suất tử vong”.

Tại các nước Tây Phi, bệnh nhân bị nhiễm thường đến bệnh viện trễ và bệnh viện cũng không đủ chỗ chữa trị.

Tại các nước có bộ máy y tế hiện đại, tỉ lệ tử vong có thể thấp hơn nhưng cũng cần điều trị nhanh. Anh Thomas Eric Duncan đi khám lần đầu chỉ được cho kháng sinh về uống và khi đi khám lần hai mới bị cách ly. Lúc đó anh đã bộc lộ triệu chứng nhiễm Ebola bốn ngày rồi.

Thế giới đối phó dịch Ebola và phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Biếm họa của OLLE JOHANSSON (Thụy Điển)

Thể trạng và thuốc: Đối với bệnh nhân có tuổi, yếu ớt, hay bệnh tật, hệ miễn dịch phải chiến đấu với nhiều thứ bệnh. Đối tượng này có nguy cơ tử vong cao hơn. Ví dụ như hai nhà truyền giáo Tây Ban Nha 69 tuổi và 75 tuổi.

Ngoài ra bệnh nhân nhiễm Ebola được điều trị với thuốc thử nghiệm thì có cơ may sống sót hơn.

Bệnh nhân đã chữa khỏi thì có được miễn dịch hay không?

Virus Ebola có bốn dòng từ Zaire (nay là CHDC Congo), Sudan, Bundibugyo và rừng Tai (Bờ Biển Ngà) và gây bệnh nơi người. Dòng thứ năm là virus Reston chỉ gây bệnh cho loài linh trưởng.

Theo các chuyên gia Viện Vi sinh và bệnh nhiễm (Pháp), dường như các bệnh nhân đã được chữa khỏi đều miễn dịch lâu dài với dòng Ebola-Zaire.

Ngày 12-10, nữ y tá gốc Việt Nina Phạm (bệnh nhân đầu tiên nhiễm Ebola ở Mỹ) đã được truyền huyết tương lấy từ máu của bác sĩ Mỹ Kent Brantly (nhiễm Ebola ở Liberia, đã được chữa khỏi tại Mỹ).

Sử dụng máu của bệnh nhân đã khỏi để điều trị cho bệnh nhân nhiễm là một giải pháp Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị vì hệ miễn dịch đã sản sinh kháng thể.

Năm 1995, khi dịch Ebola bắt đầu bùng phát ở Zaire, biện pháp điều trị này đã từng được áp dụng và mang lại kết quả rất tốt.

Dù vậy cần phải kiểm soát kỹ chất lượng máu để tránh lây nhiễm các loại virus khác như virus HIV.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ như thời điểm nào lấy kháng thể là phù hợp nhất, chọn bệnh nhân khỏi bệnh có kháng thể đủ như thế nào. Các chuyên gia ở Viện Vi sinh và bệnh nhiễm cho biết vẫn chưa rõ lúc nào thì kháng thể trung tính (đủ sức bảo vệ) phát triển trong máu.

Hội đồng Bảo an LHQ ra tuyên bố kêu gọi các nước cần gia tăng hơn nữa viện trợ tài chính và vật chất cho các nước đang có dịch Ebola. Trong các trang-thiết bị cần thiết có phòng xét nghiệm di động, bệnh viện dã chiến, nhân viên y tế có chuyên môn, vaccine, vật dụng xét nghiệm, chẩn đoán và vật dụng bảo hộ.

Mỹ-châu Âu: Cùng ngày 15-10, Tổng thống Obama (Mỹ), Tổng thống François Hollande (Pháp), Thủ tướng Angela Merkel (Đức), Thủ tướng Matteo Renzi (Ý) và Thủ tướng David Cameron (Anh) tham gia hội nghị truyền hình đã nhất trí các nước cần hành động nhiều hơn và nhanh hơn để ngăn chặn Ebola.

4 loại thuốc đã được dùng thử ở Mỹ, Tây Ban Nha, Na Uy, Pháp gồm ZMapp (hỗn hợp ba kháng thể đơn dòng) của hãng Mapp Biopharmaceutical (Mỹ), TKM-Ebola của hãng Tekmira (Canada), brincidofovir của hãng Chimerix (Mỹ) và Avigan (favipiravir hay T-705) của hãng Toyama Chemical (Nhật). Chỉ có Avigan của Nhật dễ tìm, ba loại còn lại chưa phổ biến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới