Trong đó hầu hết số ca tử vong ở ba nước Tây Phi (Liberia, Sierra Leone, Guinea), sáu nước còn lại chỉ có 15 ca tử vong.
Liberia có 4.162 ca tử vong trong 9.343 ca nhiễm. Sierra Leone có 3.655 ca tử vong trong 11.677 ca nhiễm và Guinea có 2.187 ca tử vong trong 3.330 ca nhiễm. WHO ghi nhận có bằng chứng dịch Ebola đã ngưng hoành hành. Trong hai tuần liên tiếp ở Liberia không còn ca nhiễm nào. Tại Sierra Leone, tuần trước chỉ có 58 ca nhiễm, con số thấp nhất tính từ tháng 6-2014.
Vaccine ngừa Ebola đầu tiên VSV-EBOV do Cục Y tế cộng đồng của Canada chế tạo đã được thử nghiệm lâm sàng từ ngày 7-3 ở Guinea. Đây là giai đoạn cuối trước khi đưa vaccine ra thị trường. Một loại vaccine khác do hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (Anh) cùng với Viện Dị ứng và bệnh nhiễm Mỹ phát triển cũng đã được thử nghiệm ở Liberia hồi tháng 2.
Trong khi đó, tạp chí Science (Mỹ) ngày 12-3 đã đăng một chương trình nghiên cứu ghi nhận dịch Ebola ở ba nước Tây Phi đã làm tăng số ca mắc bệnh sởi và số trẻ tử vong do bệnh sởi. GS Justin Lessler ở ĐH Johns Hopkins (Mỹ), tác giả chính của chương trình nghiên cứu, ghi nhận số ca sởi tăng là do chương trình tiêm chủng cho trẻ em bị ngưng lại vì hệ thống y tế phải gồng mình chống đỡ dịch Ebola.
Theo thống kê, 18 tháng sau khi dịch Ebola bùng nổ, đã có thêm 100.000 ca mắc bệnh sởi, nâng số ca mắc bệnh lên tổng cộng 227.000 ca ở ba nước Tây Phi. Số ca tử vong tăng thêm 5.000 ca. Trước dịch Ebola bột phát có 778.000 trẻ từ chín tháng đến năm tuổi ở ba nước Tây Phi không được tiêm chủng (4% dân số). 18 tháng sau, con số này đã tăng lên 1,12 triệu trẻ, tức tăng 45%.