Điều trị dự phòng HIV ở TP.HCM không cần phải đến phòng khám

(PLO)- Người cần điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV với mô hình Tele PrEP không cần phải đến phòng khám, đảm bảo sự bảo mật thông tin, thuận tiện. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 27-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức chương trình Khởi động triển khai thí điểm mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (Tele PrEP) tại TP.HCM.

Điều trị từ xa hướng đến chấm dứt HIV

Theo hệ thống báo cáo ca bệnh, 6 tháng đầu năm 2022 TP phát hiện 2.758 ca nhiễm HIV. Trong đó, nam giới chiếm tỉ lệ 92% tổng số ca nhiễm, 73% ca nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); 26% ca nhiễm có độ tuổi từ 22 trở xuống, 62% ca nhiễm nằm trong độ tuổi từ 23-40.

Phát biểu tại chương trình, BS CKII Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay thời gian qua, do tác động của dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân HIV nói chung và khách hàng đang sử dụng dịch vụ PrEP nói riêng đã không tiếp cận được các cơ sở y tế để tiếp tục nhận dịch vụ.

Cạnh đó, vẫn còn tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử không chỉ với người nhiễm HIV mà với nhóm người sử dụng dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP), MSM và nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương. Từ đó, dẫn đến tình trạng nhóm này ngại đến trực tiếp các cơ sở y tế để nhận các dịch vụ liên quan đến dự phòng lây nhiễm HIV.

“Việc điều trị TelePrEP giúp cho người có nhu cầu thuận tiện tiếp cận dịch vụ mà vì nhiều lí do khác nhau họ chưa thể tiếp cận với phòng khám. TP cũng nhận thấy mô hình này hoàn toàn phù hợp với các định hướng về khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế cũng như chương trình Chuyển đổi số của Quốc gia” - BS Nguyễn Hữu Hưng nhận định.

Khởi động triển khai thí điểm mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (Tele PrEP) tại TP.HCM. Ảnh: HY

Khởi động triển khai thí điểm mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (Tele PrEP) tại TP.HCM. Ảnh: HY

Theo đó, TP đã lựa chọn 11/33 cơ sở đang cung cấp dịch vụ điều trị PrEP để triển khai thí điểm điều trị TelePrEP với 60 khách hàng đăng ký hoặc chuyển đổi sang hình thức TelePrEP tính từ khi bắt đầu triển khai thí điểm từ đầu tháng 8-2022.

Đối với mô hình TelePrEP, khách hàng không cần tới trực tiếp phòng khám. BS và khách hàng sử dụng thiết bị và công nghệ thông tin để thực hiện việc khám, tư vấn và điều trị PrEP. Việc cấp phát thuốc cho khách hàng sẽ thông qua một đơn vị vận chuyển.

Với mô hình này, các phòng khám có thể mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ PrEP, đa dạng hóa các mô hình điều trị PrEP, đảm bảo sự linh hoạt, thuận tiện, dễ tiếp cận, bảo mật thông tin, hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn diện. Việc dự phòng HIV kịp thời cho các nhóm đích như MSM, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV sẽ góp phần giúp TP đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Hơn 100 học sinh, sinh viên tiếp cận điều trị dự phòng HIV

Trước đó, ngày 26-9, Tổ chức HAIVN đã tổng kết 3 tháng triển khai hoạt động hỗ trợ 8 dự án truyền thông tại 3 tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, và Bình Dương nhằm nâng cao nhận thức về PrEP và HIV/AIDS, qua đó tăng cường tiếp cận PrEP trong cộng đồng và các nhóm có nguy cơ cao.

Cụ thể, 8 dự án đã tập trung các buổi truyền thông đa dạng về PrEP, HIV/AIDS, bệnh đậu mùa khỉ, kiến thức an toàn tình dục… đến các đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân các khu nhà trọ. Bên cạnh đó là sản xuất các clip truyền thông trên tiktok, facebook; sản xuất clip giới thiệu các dịch vụ HIV, PrEP tại các cơ sở y tế công và tư…

8 dự án đã nhận được sự hưởng ứng và lan tỏa tích cực khi tiếp cận trực tiếp được hơn 1.700 người, hơn 90.000 lượt tiếp cận trên nền tảng tiktok, hơn 38.000 lượt tiếp cận, tương tác trên facebook. 102 em học sinh, sinh viên ở 6 trường THCS, THPT, Cao đẳng, đại học đã tiếp cận PrEP ngay sau chương trình.

Tổ chức HAIVN tổng kết 3 tháng triển khai hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức về PrEP ngày 26-9. Ảnh: HL

Tổ chức HAIVN tổng kết 3 tháng triển khai hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức về PrEP ngày 26-9. Ảnh: HL

Ông Todd Pollack, giám đốc quốc gia tổ chức HAIVN cho biết quá trình thực hiện 8 dự án cho thấy vẫn có một lỗ hổng lớn về kiến thức trong giới trẻ về HIV, và sức khỏe tình dục nói chung.

“Dựa trên những câu hỏi khảo sát khi thực hiện dự án, chúng tôi vẫn thấy có những lầm tưởng về HIV, có thể dẫn đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Một ví dụ là, có rất nhiều người trả lời trong khảo sát rằng những người có HIV là những người có hành vi không có trách nhiệm, và vì vậy có cái nhìn không tốt vì tình trạng HIV của họ.

Số liệu Chương trình HIV quốc gia cho thấy là các ca nhiễm HIV mới tập trung nhiều ở những người trẻ, đặc biệt là MSM trẻ. Điều này khiến cho lỗ hổng về kiến thức và thái độ đáng quan ngại hơn, do đó cần tập trung vào truyền thông cho học sinh THCS và THPT cũng như những người trẻ khác về dự phòng HIV và các hoạt động giảm kỳ thị" - ông Todd Pollack nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm