Tối 13-1, Nhà hát kịch Tuổi trẻ đã có buổi diễn công bố vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy, bản dựng của Nguyễn Sĩ Tiến.
Hoa cúc xanh trên đầm lầy là kịch bản sân khấu duy nhất hàm chứa nhiều yếu tố giả tưởng của tác giả Lưu Quang Vũ, câu chuyện thể hiện nhãn quan vượt thời đại khi đi sâu khai thác những yếu tố hết sức mới mẻ ngay cả trong cuộc sống đương đại.
Vở diễn xoay quanh “cuộc tình tay ba” giữa Hoàng - Liên - Vân, những người bạn trẻ đã một thời đầy ắp những kỷ niệm với hoa cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả. Khi trưởng thành, ngày Hoàng cầu hôn Liên cũng là ngày cô trao thiệp cưới của mình với Vân.
Quá đau khổ, Hoàng bằng khả năng thiên tài của một nhà sáng chế đã tạo nên hai người máy mô phỏng từ Vân và Liên như người thật. Chỉ có một điều hai người máy đó chỉ lưu giữ những điều tốt đẹp và tử tế. Họ cũng chỉ có ký ức về tuổi thơ, ký ức không có lòng tham và sự xô bồ của đời sống thực.
Hoàng nhốt người máy Vân vào trong một căn hầm để anh ta thỏa chí với niềm đam mê hội họa của mình, còn với Liên, Hoàng giữ cô lại bên mình. Nhưng Liên dù là người máy được lập trình để chỉ có tình yêu với Hoàng nhưng cô cũng được lập trình là chỉ có phần tử tế của con người mà thôi. Chính vì thế, sau một thời gian chung sống, người máy Liên đã kháng cự một cách mãnh liệt với những hành động trái với nhận thức tử tế mà Liên được cài đặt.
Hình ảnh trong vở kịch.
Cuối cùng, cũng như phiên bản đời thực, Liên và Vân vẫn tìm đến với nhau nhờ tình yêu và sự tương đồng bởi những điều tử tế được cài đặt sẵn. Vở kịch khép lại khi hai người máy có chứa những điều tử tế cũng phải chết đi.
Vở kịch có những dự báo vượt thời gian của nhà viết kịch thiên tài Lưu Quang Vũ. Cách đây ba thập niên, khi khái niệm người máy vẫn còn xa lạ với nhân loại, ông đã đề cập đến chuyện đó trong vở kịch của mình.
Nhưng vượt lên tất cả, một vấn đề được ông đặt ra vẫn có ý nghĩa với thời cuộc ngày nay. Có những con người có thân xác của một con người nhưng họ sống như những cỗ máy. Đầy tham lam và những khao khát hèn kém, nghi hoặc và buông thả.
Còn người máy, những cỗ máy được tạo ra chỉ để lưu giữ những điều tử tế mà người thực đã đánh mất trên hành trình mưu sinh của mình cuối cùng cũng biến mất khỏi cuộc đời. Sự biến mất của họ cũng mang theo một sự hoang mang của người tạo ra: Phải chăng những điều tử tế cứ phải chết đi, phải biến mất. Phải chăng trong cuộc sống đầy xô bồ này sự tử tế không thể chung sống được với con người.
Và có lẽ cũng như lời thoại của một nhân vật trong kịch, sự tử tế vẫn có ở trong mỗi người, con người phải giữ gìn nó chứ không phải tạo ra một thứ giống người khác để giữ hộ mình.
Lần đầu được độc lập đóng vai trò của một đạo diễn, Nguyễn Sĩ Tiến đã tạo nên một bản dựng bảo lưu được những nét chính trong nguyên bản của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, đồng thời cũng đưa vào đó những hơi thở tân thời hiện đại.
Hai diễn viên trẻ đóng vai Liên và Vân cũng được trải nghiệm một cơ hội mà như nghệ sĩ Lê Chức là khó ai có được trên sân khấu. Một mình đảm nhận hai vai diễn, hai cá tính nhân vật trong cùng một cảnh.
Vở kịch giả tưởng Hoa cúc xanh trên đầm lầy của tác giả Lưu Quang Vũ với nhiều yếu tố mới lạ và vô cùng hấp dẫn cùng dàn diễn viên trẻ tài năng của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ chính thức ra mắt công diễn phục vụ khán giả từ ngày 4- 3-2018.