Đình chùa cổ của người Minh Hương ở Sài Gòn

(PLO)- Chùa Giác Lâm, đình Minh Hương Gia Thạnh và miếu bà Thiên Hậu là ba trong nhiều di tích mà người dân TP.HCM thường đến vào các dịp lễ, tết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ở TP.HCM có những ngôi chùa, đình, miếu có lịch sử hàng trăm năm, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm của Sài Gòn. Chùa Giác Lâm, miếu bà Thiên Hậu và đình Minh Hương Gia Thạnh là ba trong những di tích như thế, trong đó chùa Giác Lâm được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia còn miếu bà Thiên Hậu và đình Minh Hương Gia Thạnh được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Chùa Giác Lâm (覺林寺)

Chùa tọa lạc tại 565 Lạc Long Quân, quận Tân Bình, là một trong những ngôi chùa cổ nhất của TP.HCM. Đây chính là tổ đình của phái thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam.

Chùa được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744), đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Năm 1774, thiền sư Tổ Tông Viên Quang được cử về trụ trì, đổi tên chùa thành Giác Lâm. Danh sĩ Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí miêu tả cảnh chùa lúc bấy giờ: “Chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn, cách phía tây lũy Bán Bích ba dặm..., cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà nhã thú!”.

Chùa Giác Lâm có lối kiến trúc chữ Tam (Ξ) gồm ba dãy nhà ngang nối liền nhau (không kể các nhà phụ): Chính điện, giảng đường và nhà trai. Trong chùa có 113 pho tượng cổ, chủ yếu là tượng gỗ, chỉ có bảy tượng đồng…

Vào những buổi sáng thường có các tốp sinh viên đến đây nghiên cứu, học tập, vẽ tranh… Thỉnh thoảng có nhóm du khách đến tham quan chùa. Vài giảng viên và hướng dẫn viên du lịch sẽ nói về tứ diệu đế… Buổi chiều, trời trong gió mát, người dân đến chùa lạy Phật, tìm kiếm sự yên tĩnh giữa một đô thị luôn tấp nập, ồn ào. Trong không gian yên tĩnh, ngồi trên các băng ghế đá sạch sẽ được đặt dưới những gốc cây cổ thụ có tán rộng, thỉnh thoảng nghe tiếng chim hót, con người cảm thấy được thư giãn giữa cuộc sống bộn bề.

Miếu Bà Thiên Hậu ở Chợ Lớn, Sài Gòn, Việt Nam, có thể được hoàn thành vào năm 1830. Ảnh: shutterstock
Miếu Bà Thiên Hậu ở Chợ Lớn, Sài Gòn, Việt Nam, có thể được hoàn thành vào năm 1830. Ảnh: shutterstock

Đình Minh Hương Gia Thạnh (明鄉嘉盛會館)

Đình có tên chính thức là Minh Hương Gia Thạnh hội quán, do người Hoa xây dựng trên đất Đề Ngạn xưa (Chợ Lớn ngày nay) vào đầu thế kỷ 18. Tọa lạc tại 380 Trần Hưng Đạo (phường 11, quận 5, TP.HCM), đình còn là nơi thờ Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh - vị đại thần góp công lớn khai phá vùng đất Nam Bộ.

Năm 1698, một số con cháu người Hoa ngụ cư từ lâu ở dinh Phiên Trấn xin thành lập làng Minh Hương, ngay khi Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập phủ Gia Định. Tuy nhiên, theo hương ước của làng, 1789 mới là năm chính thức lập Minh Hương xã và liền sau đó, một ngôi đình do nhiều người Hoa đóng góp được dựng lên để có nơi thờ cúng và chức sắc xã có nơi làm việc. Năm 1808, Vua Gia Long ban cho tên Gia Thạnh đường. Năm 1867, chính quyền Pháp thay đổi cơ cấu hành chính, đình trở thành Minh Hương Gia Thạnh hội quán.

Tổ Đình Giác Lâm

Tổ Đình Giác Lâm

Trong đình có khám thờ thần được đặt ở giữa với các bài vị: Ngũ thổ tôn thần, Ngũ cốc tôn thần, Đông trù tư mệnh, Bổn cảnh thành hoàng. Bên trái là khám thờ Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh và Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên. Bên phải là khám thờ Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh, hai người Minh Hương làm quan đến chức thượng thư.

Ngoài ý nghĩa là di tích của xã Minh Hương, nơi thờ tự hương hỏa của người Minh Hương, đình còn có giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm khắc gỗ mang phong cách Việt Nam thế kỷ 19. Một giá trị khác nữa đó là ở đình này, nhóm Bình Dương thi xã (được sáng lập bởi Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định) đã tề tựu, gặp gỡ với nhiều nhân sĩ để cùng nhau xướng họa thi ca và luận bàn thế sự vào những năm cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19…

Ngày tết, người Sài Gòn thường đến viếng đình, chùa. Giữa không gian linh thiêng, hương trầm lan tỏa cùng sắc màu đèn hoa, lòng người như lắng lại, khởi đầu một năm mới bình an, nhẹ nhàng.

Miếu bà Thiên Hậu ở quận 5

Ở TP.HCM, bạn cũng có thể đến miếu bà Thiên Hậu (天后廟) ở 710 Nguyễn Trãi, quận 5. Miếu được nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) khi sang Việt Nam đã góp tiền của, công sức xây dựng. Không biết chính xác miếu được xây dựng vào năm nào; tại miếu còn lưu giữ một đại đồng chung đề Đạo Quang năm thứ 10, tức làm vào năm 1830 và một bộ lư pháp lam (cloisonne) cũng đề niên hiệu này.

Kiến trúc miếu gồm tổ hợp bốn ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ “khẩu” (口) hoặc chữ “quốc” (国). Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà này có khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời) giúp không gian thoáng đãng, đủ ánh sáng và có chỗ thoát khói hương.

Chính điện, được gọi là Thiên Hậu cung, thờ bà Thiên Hậu. Tại chính điện có hai đại đồng chung niên hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đạo Quang năm thứ 10 (1830). Trung điện đặt bộ lư pháp lam lớn niên hiệu Quang Tự thứ 12 (1886). Ngoài ra, miếu còn khoảng 400 đồ cổ được chế tác công phu, tỉ mỉ…

Hằng ngày có nhiều người đến miếu cúng lễ; du khách đến viếng cũng khá đông, nhất là vào các ngày lễ, tết. Ngày 28 tết, miếu có tổ chức lễ cúng bà và lễ khai ấn, cầu mong bà phò trợ cho “hộ quốc an dân” và “hợp cảnh bình an”. Riêng ngày vía bà (23-3 âm lịch) được xem là ngày hội chính của miếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm