Ngày 11-4 tới, TAND TP.HCM sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp thừa kế giữa nguyên đơn là ông ĐVO cùng với sáu bị đơn anh em với ông O. là ĐVH, ĐTL, ĐCD… đều ngụ phường 8, quận 10.
Tòa sơ thẩm sử dụng kết quả định giá rất thấp
Tháng 5-2017, ông O. nộp đơn khởi kiện tại TAND quận 10 để chia tài sản thừa kế từ cha mẹ.
Hồ sơ thừa kế thể hiện: Cha ông O. mất vào tháng 5-2015 và mẹ mất năm 1989. Trước khi mất ông bà đều không để lại di chúc. Ông bà có tất cả chín người con, gồm ba gái và sáu trai, trong đó có hai người con trai mất năm 1975, 2013 và cả hai đều không có vợ con.
Nay bảy anh em còn lại không thống nhất được việc chia nhà, đất tại địa chỉ 522 và 520/37/28 Bà Hạt, phường 8, quận 10 (phần di sản cha mẹ để lại) nên đưa ra tòa giải quyết. Theo đơn khởi kiện, ông O. yêu cầu chia thừa kế do cha mẹ để lại theo quy định của pháp luật và xem xét công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo đối với khối di sản hai căn nhà trên.
Xử sơ thẩm tháng 11-2018, đối với phần di sản, TAND quận 10 nhận định các bị đơn yêu cầu tính mức giá 10,5 triệu đồng/m2 để được hưởng mỗi kỷ phần là 1,5 tỉ đồng là không phù hợp, không có căn cứ pháp lý nên không chấp nhận. Theo tòa, biên bản định giá vào tháng 10-2018 của hội đồng thẩm định giá được HĐXX sử dụng là có căn cứ. Theo đó, căn nhà mặt tiền có giá trị nhà, đất là 3,146 tỉ đồng và nhà trong hẻm là 2,832 tỉ đồng.
Hai bên nguyên đơn, bị đơn đều có yêu cầu được nhận di sản tiếp tục sử dụng và sở hữu. HĐXX nhận thấy di sản là hai lô đất có diện tích 32 m2 không đủ diện tích để chia theo hiện vật. Nguyên đơn là người có công sức duy nhất để duy trì, tôn tạo, xây dựng đối với di sản, là người trực tiếp xây dựng nhà… từ khi mở thừa kế cho đến nay. Thực tế gia đình nguyên đơn đã xây dựng và sinh sống ổn định. Còn các đồng bị đơn không trực tiếp sử dụng di sản, không trực tiếp sinh sống ở đây, ngoại trừ một người nhưng không phải là người xây dựng, tôn tạo, quản lý di sản.
Từ đó, tòa quyết định giao di sản cho ông O. và ông có trách nhiệm thanh toán giá trị di sản được hưởng cho các đồng thừa kế. Cụ thể, căn cứ theo kết quả định giá nói trên thì ông O. có trách nhiệm thanh toán phần thừa kế cho các anh em số tiền khoảng 725 triệu đồng/người.
Căn nhà di sản được chia trong vụ thừa kế. Ảnh: HY
Thẩm định lại, giá tăng gấp đôi
Không đồng tình với án sơ thẩm, các bị đơn kháng cáo. Trong quá trình kháng cáo, ông ĐVH đã nộp cho tòa một chứng thư thẩm định giá được thực hiện bởi một công ty cổ phần tư vấn và thẩm định giá thực hiện vào tháng 3-2019. Theo đó, tài sản là nhà, đất tranh chấp có mức giá trên 11 tỉ đồng, gần gấp đôi so với mức giá ban đầu mà án sơ thẩm áp dụng.
Ông H. nói: “Việc xác định giá trị di sản thừa kế để chia ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cả nguyên đơn và bị đơn. Kết quả định giá của hội đồng định giá mà cấp sơ thẩm sử dụng là quá thấp, không đúng với giá thị trường. Tòa sơ thẩm lại giao cho nguyên đơn được hưởng thừa kế bằng hiện vật và hoàn lại cho các bị đơn hưởng giá trị bằng tiền là quá thiệt thòi và gây thiệt hại trực tiếp với các bị đơn. Ngoài ra, HĐXX cấp sơ thẩm đã lập danh sách thành viên trong ban thẩm định trước khi các cơ quan chủ quản có công văn đồng ý cử cán bộ chuyên môn là không ổn”.
Theo ông H., trong nhà ông hiện có chị ĐTL là người đang bị bệnh tai biến, gãy chân và xương háng, không thể tự chăm sóc bản thân, điều kiện kinh tế khó khăn. Ông ĐCD, em trai ông là thầy giáo hiện chưa có nhà riêng và đang phải ở thuê nên cũng mong muốn hưởng đúng giá trị di sản thừa kế để cải thiện tình hình kinh tế hiện tại.
Ông H. cho rằng kết quả định giá mới rất sát với giá thị trường, nếu tòa áp dụng thì sẽ đảm bảo quyền lợi và công bằng cho tất cả đồng thừa kế, kể cả với nguyên đơn. “Chúng tôi cũng không ép nguyên đơn phải nhận thừa kế bằng hiện vật hoặc bằng tiền mà nguyên đơn sẽ được chọn một trong hai cách đó. Do đó, tôi mong muốn cấp phúc thẩm xác định đúng giá trị di sản thừa kế để đảm bảo quyền lợi cho tất cả bên” - ông H. nói.
Ảnh hưởng quyền lợi đương sự, gây thiệt hại cho Nhà nước Một số thẩm phán và luật sư chuyên về dân sự cho biết theo quy định tố tụng dân sự mới, kết luận của hội đồng định giá (nhà nước) và tổ chức thẩm định giá (tư nhân) đều có giá trị pháp lý (trừ khi chứng minh được có sự vi phạm). Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn Luật sư TP.HCM, đương sự có quyền có ý kiến về kết quả định giá bất kỳ trong giai đoạn nào của tố tụng. “HĐXX cần phải sử dụng kết quả định giá phù hợp theo giá thị trường, không thể lấy kết quả định giá quá thấp làm căn cứ. Bởi như vậy vừa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự trong vụ án và cả thiệt hại cho Nhà nước khi tính án phí thấp” - luật sư Nghiêm nói. |