Đo thân nhiệt tại cửa khẩu để sớm phát hiện, giám sát ca mắc đậu mùa khỉ

(PLO)- Người nhập cảnh từ quốc gia, khu vực có dịch bệnh đậu mùa khỉ lưu hành cần tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-8, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát ca bệnh tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt, giám sát kiểm dịch viên y tế hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo. Trường hợp phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần chuyển nơi cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ và khám sơ bộ.

Sau đó, căn cứ theo kết quả, khai thác dịch tễ để chuyển hành khách về cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị hoặc đề nghị hành khách tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày từ ngày nhập cảnh.

Người nhập cảnh từ quốc gia, khu vực có dịch lưu hành cần theo dõi sức khỏe trong 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Khi có triệu chứng phát ban, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi và nổi hạch cần hạn chế tiếp xúc người khác và tới cơ sở y tế gần nhất.

Bộ cũng yêu cầu tổ chức giám sát, tăng cường giám sát dựa vào sự kiện trong cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ.

Đặc biệt chú ý giám sát tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu và các cơ sở khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục. Chú trọng giám sát trên đối tượng nguy cơ cao gồm người đồng giới và người có suy giảm miễn dịch.

Đến nay, kết quả một số nghiên cứu cho thấy vaccine đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng chống bệnh đầu mùa khỉ. Hiện một số quốc gia đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2, 3) để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Tới thời điểm ngày 18-7, WHO không khuyến cáo tiêm vaccine phòng chống bệnh đậu mùa khỉ một cách rộng rãi, chỉ tiêm cho những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế, người tiếp xúc trực tiếp với trường hợp bệnh. Việc tiêm vaccine được xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể khi có tiếp xúc và sau khi tiếp xúc với trường hợp bệnh.

Các dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả của vaccine vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khi (monkeypox) không phải là bệnh mới, bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khi được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh đậu mùa khi. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô, kể từ đó bệnh đậu mùa khi ở người trở thành bệnh lưu - hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi

Đến ngày 21-8, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm