1 km cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có giá trên 165 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội đồng thẩm định nhà nước (TĐNN) vừa báo cáo Chính phủ kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Theo đó, 100% thành viên Hội đồng TĐNN đồng ý thông qua báo cáo dự án này.

Đầu tư theo phương thức PPP không khả thi

Các thành viên Hội đồng TĐNN khẳng định nếu dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) khó đảm bảo khả thi. Bởi lẽ tỉ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án cao (trên 60%), không phát huy được ưu điểm của phương thức này là huy động nguồn vốn tư nhân.

Cạnh đó, dự án có thời gian thu hồi vốn là 30 năm, không đảm bảo tính khả thi huy động vốn vay, thực tế các tổ chức tín dụng chưa cho vay các dự án PPP giao thông với thời hạn quá 25 năm. Nhu cầu nguồn vốn cho vay các dự án đang thực hiện rất lớn, do đó việc huy động vốn cho dự án sẽ khó khăn. “Nên việc chuyển đổi dự án trên từ hình thức phương thức PPP sang đầu tư công không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế…” - Hội đồng TĐNN nhận định.

Về tổng mức đầu tư dự án, Hội đồng TĐNN cho rằng Bộ GTVT đề xuất quy mô phân kỳ bốn làn xe, với tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỉ đồng, tương đương 165,25 tỉ đồng/km, cao hơn suất đầu tư của dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ và quy định của Bộ Xây dựng.

Danh mục các dự án thành phần cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng,
giai đoạn 1. ĐỒ HỌA: HỒ TRANG

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm lý giải suất đầu tư trên là do tính chất đặc thù của dự án. Cụ thể, ở đây có tới 194 cầu, trung bình 0,97 km/cầu. Trong đó, có bốn cầu lớn với tổng chiều dài 1.598 m, sử dụng công nghệ đúc hẫng nhịp nên tổng thể suất đầu tư lớn hơn các dự án tương tự trong khu vực. Với lý giải trên, Hội đồng TĐNN đề nghị Bộ GTVT chịu trách nhiệm về số liệu, phương pháp tính và kết quả tính sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án...

Về chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác là 9% tổng mức đầu tư, Hội đồng TĐNN cho rằng đã thấp hơn tỉ lệ giới hạn quy định của Bộ Xây dựng. Tuy tỉ lệ này cao hơn so với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nhưng lại thấp hơn đoạn Cần Thơ - Cà Mau nên đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu tổng kết các dự án tương tự để xác định tỉ lệ trên cho hợp lý, bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ.

Tiền đâu làm cao tốc?

Theo Hội đồng TĐNN, Bộ GTVT dự kiến giai đoạn 2021-2025 vốn phân bổ cho dự án khoảng 27.075/44.691 tỉ đồng. Hiện đã có 14.427 tỉ đồng từ nguồn đầu tư công và 3.800 tỉ đồng từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, số còn lại sẽ rà soát các dự án giảm nhu cầu và nguồn nhượng quyền khai thác đường cao tốc Bắc - Nam.

Giai đoạn 2026-2030, dự án cần bố trí khoảng 17.616 tỉ đồng và dự kiến từ nguồn đầu tư công trung hạn. “Vì vậy Bộ GTVT chịu trách nhiệm rà soát, cân đối nguồn vốn này đảm bảo triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ…” - Hội đồng TĐNN nêu ý kiến.

Bộ GTVT dự kiến chia dự án thành bốn dự án thành phần theo địa giới hành chính của từng tỉnh, thành. Tuy nhiên, Hội đồng TĐNN cho rằng phương án chia này chưa thực sự phù hợp quy định của Luật Xây dựng nên cần được Quốc hội xem xét quyết định như cơ chế, chính sách đặc biệt.

Sau khi có ý kiến của Hội đồng TĐNN, đại diện Bộ GTVT cho biết đơn vị vừa hoàn thiện dự thảo tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội để xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Theo đó, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2 km. Trong đó, đoạn tuyến qua địa phận Hậu Giang dài khoảng 57,2 km, Cần Thơ dài 37,2 km, Hậu Giang dài 36,9 km và tỉnh Sóc Trăng dài 56,9 km. Điểm đầu của dự án giao tuyến tránh quốc lộ (QL) 91, TP Châu Đốc (An Giang); điểm cuối tại cảng Trần Đề (Sóc Trăng).

Để phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư và lưu lượng xe trong thời gian đầu, Bộ GTVT đề xuất đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 với quy mô bốn làn xe cao tốc hạn chế (mỗi làn 3,5 m), chiều rộng mặt cắt ngang 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ tương tự quy mô đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, dự án sẽ giải phóng mặt bằng sáu làn xe cho giai đoạn 2.

Theo Bộ GTVT, việc đầu tư dự án này sẽ hình thành một trục ngang trung tâm vùng ĐBSCL kết nối các trục dọc, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam của vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển. Song song đó dự án sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng, góp phần xóa đói giảm nghèo.. •

Đánh giá tác động đến BOT quốc lộ 91

Hai thành viên Hội đồng TĐNN là ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính và ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng Bộ GTVT cần đánh giá tác động của dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với dự án BOT trên QL 91, để tránh ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn đối với nhà đầu tư BOT QL 91.

Về vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho rằng theo nghiên cứu của tư vấn, QL 91 đoạn Cần Thơ đi Long Xuyên chủ yếu phục vụ dân cư và các khu kinh tế dọc theo QL 91, trong khi tuyến cao tốc đi cách xa QL 91 hiện hữu 10-20 km nên có ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến dự án BOT QL 91 nhưng không lớn.

“Về mặt tiêu cực, một số phương tiện có nhu cầu đi thẳng từ Châu Đốc đến Cần Thơ sẽ phân lưu một phần sang tuyến cao tốc. Vì vậy trong bước triển khai tiếp theo, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp dự án BOT trên QL 91 để đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư...” - Bộ GTVT cho hay.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm