Liên quan đến việc phát triển thị trường hàng không, ngày 10-5, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết Cục hàng Không Việt Nam đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ cấp chứng chỉ an toàn hàng không CAT-1. Đây là chứng chỉ để các hãng hàng không Việt đủ điều kiện đầu tiên được bay thẳng tới Mỹ. Tuy nhiên, CAT-1 chỉ là bước đầu trong rất nhiều việc phải làm để được có chuyến bay thẳng Việt – Mỹ.
Để từng bước chuẩn bị cho đường bay thẳng Việt – Mỹ, ông Thành cho biết từ năm 2008 Vietnam Airlines đã đặt mua máy bay B787, lập tổ xúc tiến mở đường bay, nếu nhanh cũng phải 1-2 năm nữa mới có thể thực hiện.
Cộng đồng người Việt ở Mỹ rất kỳ vọng vào việc này. Tuy nhiên, dù có CAT-1, hiện Vietnam Airlines còn phải chuẩn bị các thủ tục pháp chế, thương mại, thị trường và những công việc này không phải dễ.
“Đơn cử như muốn bay vào Mỹ, trên website đặt vé của Vietnam Airlines phải có mục đặt chỗ cho người khiếm thị, khiếm thính. Riêng công việc bổ sung thiết kế website mục này Vietnam Airlines dự kiến mất khoảng hai năm. Ngoài ra còn phải chuẩn bị về công tác an ninh, chống khủng bố…”, CEO Vietnam Airlines dẫn chứng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng kỳ vọng máy bay thế hệ mới như B777max, A350-1000, với thông tin từ nhà sản xuất là tiết kiệm nhiên liệu sẽ đáp ứng được đòi hỏi về mặt kỹ thuật khi bay thẳng Mỹ.
Về tài chính, lãnh đạo Vietnam Airlines, cho biết năm 2004-2007 có hai hãng hàng không Mỹ bay thẳng tới Việt Nam nhưng sau phải bỏ vì thua lỗ.
“Mỹ không phải là thị trường tiềm năng về lợi nhuận của hàng không. Tuy nhiên, trong xu thế Việt Nam hội nhập, đường bay thẳng sẽ là cây cầu kết nối du lịch, công nghệ, xuất khẩu. Vietnam Airlines sẽ như cây cầu kết nối hai thị trường để Việt Nam thâm nhập tốt hơn thị trường Mỹ, không hẳn mục tiêu là vì lợi nhuận”, ông Thành nói thêm.
Theo một tính toán trước đây, Vietnam Airlines cần khoảng 5-10 năm mới có thể hòa vốn đường bay Việt – Mỹ. Theo đó, trong năm năm đầu khai thác đường bay này sẽ lỗ khoảng 30 triệu USD/năm.
Hãng hàng không Bamboo Airways có những phát ngôn rất mạnh về vấn đề mở rộng các đường bay.
Lạc quan hơn về đường bay thẳng tới Mỹ, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways, cho biết theo kế hoạch, đến cuối năm nay đội máy bay của Bamboo Airways sẽ tăng lên 40 chiếc và đến năm 2021 là 100 chiếc.
Đội máy bay của hãng sẽ có khoảng 10 chiếc Boeing 787 Dreamliner. Đây là loại máy bay thân rộng hiện đại có thể phục vụ đường bay thẳng đến các nước châu Âu và Mỹ.
“Hiện nay chúng tôi đã có những chuyến bay charter flight (bay thuê bao trọn gói cho các hãng lữ hành) đầu tiên đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tới đây hãng sẽ hướng tới các chuyến bay quốc tế đường dài sang Đức, Cộng hòa Séc, Anh Quốc. Nếu không có gì thay đổi chậm nhất đến quý 1-2020 chúng tôi sẽ bay thẳng đến Mỹ”, ông Quyết cho hay.
Trước đó, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cũng lưu ý các hãng thời gian đầu nếu khai thác các đường bay thẳng tới Mỹ sẽ chịu lỗ nhưng dự đoán về lâu dài thì đường bay này sẽ hiệu quả.
“Thách thức lớn mà các hãng hàng không Việt Nam cần lưu ý đó là qua quá trình đánh giá, khảo sát và trao đổi với các hãng hàng không cũng như kinh nghiệm cho thấy hệ thống tư pháp của Mỹ hết sức phức tạp, vì vậy các hãng hàng không Việt Nam cần lưu ý khi mở đường bay tới Mỹ…”, ông Thắng nhấn mạnh.