Bộ Công Thương: 'Khó bỏ nhiệt điện than'

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đưa ra tại hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về nhà máy nhiệt điện than” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 13-12, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết sau khi Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã báo cáo và triển khai phương án phát triển nguồn năng lượng thay thế điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng. Theo đó, giai đoạn 2020-2030 sẽ bổ sung khoảng 6.000 MW nhiệt điện và khí.

Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.GIANG

Như vậy, hiện tại và trong giai đoạn phát triển đến năm 2030, tầm nhìn năm 2035, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn tới với một tỉ lệ thích hợp là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Để phát triển nhiệt điện than, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại, giảm phát thải ra môi trường. Phát triển nhiệt điện than phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Cụ thể, đối với các dự án xây mới, Bộ Công Thương cho biết sẽ áp dụng các công nghệ xử lý khói thải, nước thải tiên tiến; đối với các nhà máy đang vận hành, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện đầy đủ các quy trình vận hành, cải tiến, nâng cấp, lắp đặt thêm các hệ thống thiết bị xử lý môi trường; tăng cường các giải pháp sử dụng tro, xỉ, thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, san lấp công trình xây dựng,… nhằm đáp ứng các quy định về phát thải của Việt Nam cũng như của quốc tế.

Ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết hiện nay, nhiệt điện than cấp 37%-38% điện năng cho nhu cầu điện của đất nước. Theo tính toán quy hoạch được duyệt tới năm 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 53% điện năng cung cấp cho hệ thống. Nhiện điện than trong nhiều năm tới đây vẫn phải là nguồn năng lượng quan trọng. “Thủy điện đã tới hạn, điện khí thì rất hạn chế vì nhập khẩu giá cao và phụ thuộc thị trường thế giới, điện mặt trời thì công suất kém, không đáp ứng đủ. Cho nên từ nay tới năm 2030 và nhiều năm sau nhiệt điện than vẫn chiếm cơ cấu chủ yếu trong thị trường điện” - ông Lực nhấn mạnh.

Vị này cho rằng bất kỳ nguồn điện nào đều có tính chất hai mặt. Ngay cả trào lưu phát triển điện gió, điện mặt trời nếu không cẩn trọng cũng có tác động đáng kể tới môi trường nên phải nghiên cứu kỹ càng, căn cơ hơn. Việc sử dụng pin sẽ không tránh khỏi ô nhiễm môi trường.

PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, cũng cho rằng nhiệt điện than đốt hàng chục triệu tấn than và thải ra tro xỉ. Tuy vậy điều quan trọng là công nghệ xử lý phát thải như thế nào. Chất thải của nhiệt điện than có yếu tố kim loại nặng nhưng đều có hàm lượng rất bé, thậm chí bé hơn nồng độ quy định tới 3.000 lần.

Theo ông Nguyễn Tân Bình, Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay EVN đang quản lý 12 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 9.585 MW, chiếm 23,14% toàn hệ thống. Các nhà máy của EVN đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Trong đó phải kể đến một số nhà máy Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm