Ngày 19-7, Tổng cục Đường bộ (TCĐB) có văn bản gửi các địa phương về việc tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16. Trong đó, tổng cục đề nghị: Đối với các phương tiện vận chuyển hàng mau hỏng, thiết yếu, phục vụ sản xuất, kinh doanh khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16 thì không cần đăng ký và dán giấy nhận diện phương tiện (có mã QR Code) trên xe.
Tuy nhiên, các tài xế, doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn chủ động xin cấp giấy nhận diện này vì nhiều tỉnh, thành vẫn yêu cầu kiểm tra.
Lực lượng chức năng kiểm tra tài xế ra vào chốt chống dịch trên quốc lộ 22, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: CTV
Lo ngại hàng hóa hư hỏng
Theo ghi nhận chiều 19-7, nhiều địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 ở khu vực phía Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ lượng phương tiện đi vào địa phương mình, mặc dù các phương tiện thuộc diện ưu tiên có dán giấy nhận diện phương tiện.
Điển hình tại TP.HCM, tại chốt kiểm soát cửa ngõ chân cầu Đồng Nai, các lực lượng vẫn tiến hành kiểm tra và làm việc bình thường.
Theo đó, xe được ưu tiên theo “luồng xanh” thì cần dán giấy nhận diện trên xe. Lúc này các phương tiện sẽ được tạo điều kiện đi luồng riêng, các xe không ưu tiên sẽ đi qua làn còn lại. Các xe có giấy nhận diện phương tiện sẽ có biển báo hướng dẫn từ xa để phân luồng cho các phương tiện đi vào làn ưu tiên. Theo đó, các xe có giấy nhận diện phương tiện sẽ di chuyển nhanh chóng hơn.
Tương tự, tại chốt cửa ngõ quốc lộ 13 (TP Thủ Đức), giấy nhận diện phương tiện vẫn được kiểm tra như trước.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Hợp tác xã Phước Bình (huyện Bình Chánh, TP.HCM), cho biết đơn vị chủ yếu vận chuyển rau cho các siêu thị. Một ngày di chuyển qua các chốt trên địa bàn các tỉnh như Tiền Giang, Long An, TP.HCM, Bình Dương nên rất lo hàng hóa sẽ bị hư hỏng.
“Thậm chí có tỉnh phải thông qua 2-3 chốt, trung bình xếp hàng nửa tiếng mới qua được các chốt kiểm soát dịch. Nhiều khi rau đưa về TP.HCM, Bình Dương cũng đã hư hỏng, phải loại bỏ rất nhiều, gây tổn thất cho doanh nghiệp” - ông Tùng cho biết.
Theo ông Tùng, hiện nay Hợp tác xã Phước Bình chưa đăng ký giấy nhận diện phương tiện nên phải mất rất nhiều thời gian xếp hàng.
“Hợp tác xã kiến nghị sớm gỡ bỏ thủ tục này và ưu tiên cho tài xế được thông chốt theo luồng xanh theo hướng dẫn của TCĐB Việt Nam” - ông Tùng nêu ý kiến.
Tùy vào tình hình chống dịch mỗi địa phương
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết ngày 19-7, TCĐB có triển khai thêm phần mềm chung cả nước và 19 tỉnh, thành phía Nam có thể sử dụng phần mềm này hoặc tiếp tục nhờ Sở GTVT TP.HCM triển khai.
Hiện nay, Sở GTVT vẫn cấp giấy nhận diện phương tiện cho mặt hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm, thậm chí còn thực hiện thêm nhận diện xe chở “hàng mau hỏng” mà TCĐB đề nghị. Như vậy, các phương tiện trên sẽ được ưu tiên hơn.
Phía tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh, thông tin từ ngày 18-7 đến nay, sở cũng cấp giấy nhận diện phương tiện thông qua hệ thống của TCĐB. Giấy nhận diện phương tiện sẽ ưu tiên các xe đi qua các chốt kiểm soát dịch, đặc biệt là xe chở lương thực, thực phẩm. Đối với xe chở lương thực, thực phẩm trong tỉnh thì không cần giấy nhận diện phương tiện.
Theo ông Tài, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đăng ký giấy nhận diện phương tiện để lưu thông nhanh hơn, mặc dù địa phương vẫn ưu tiên cho xe chở lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, tùy theo tình hình chống dịch của mỗi địa phương sẽ có phương thức kiểm tra và mức độ ưu tiên khác nhau. Trong đó, trường hợp không đăng ký kịp thì cũng không xét tới giấy nhận diện.
Có giấy nhận diện sẽ được ưu tiên hơn
Đối với các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhiều địa phương cho biết dù giấy nhận diện phương tiện không bắt buộc nhưng nếu có sẽ được ưu tiên hơn khi qua trạm kiểm soát.
Đại diện Sở GTVT tỉnh Long An thông tin: Một số tài xế, doanh nghiệp nắm được thông tin không cần giấy nhận diện với mặt hàng thực phẩm, họ cũng thắc mắc và sở có giải thích cho người dân hiểu.
Tuy nhiên, qua các trạm kiểm soát, nhiều địa phương vẫn đòi giấy nhận diện nên nhiều doanh nghiệp cũng đăng ký. Mặc dù giấy nhận diện phương tiện không bắt buộc nhưng nó được ưu tiên hơn khi kiểm soát qua các trạm.
Lực lượng chốt chặn của tỉnh Long An cho biết đối với các trường hợp ưu tiên thì lực lượng sẽ cho đi và chỉ kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, các phương tiện trên vẫn phải kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cũng thông tin sở vẫn cấp giấy nhận diện phương tiện cho các đơn vị có nhu cầu thuộc diện được cấp, còn việc kiểm tra ở các chốt thì tùy lực lượng các địa phương.
Đối với tỉnh An Giang, Sở GTVT tỉnh cho hay sở vẫn hướng dẫn người dân cấp giấy nhận diện để ưu tiên khi hoạt động trên các “luồng xanh”. Đồng thời tỉnh cũng yêu cầu các phương tiện vận chuyển một số loại hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn cần ưu tiên được vận chuyển nhanh như nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh...
“Các đơn vị vận tải in bổ sung nhãn “hàng mau hỏng” trên giấy màu vàng, đóng dấu treo của đơn vị và dán trên kính xe kèm với giấy nhận diện đã được cấp trong các chuyến vận chuyển loại hàng như trên để các chốt kiểm soát nhận biết và tạo điều kiện cho phương tiện” - đại diện Sở GTVT tỉnh An Giang cho hay.
Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cho biết sở đã áp dụng văn bản hướng dẫn của TCĐB. Từ đó, sở chỉ đạo các chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 không thực hiện việc kiểm tra giấy nhận diện phương tiện (có mã QR Code) trên xe đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa là các loại hàng mau hỏng khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16.•
Tùy các địa phương áp dụng Đại diện TCĐB cho biết văn bản hướng dẫn yêu cầu các tỉnh, thành trong vùng Chỉ thị 16 thì không cần cấp giấy nhận diện và vẫn hoạt động bình thường để tạo điều kiện cho các đơn vị vận chuyển nông sản, thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, trên thực tế, các đơn vị vẫn xin cấp giấy nhận diện phương tiện để yên tâm hơn khi vận chuyển hàng hóa và các chốt kiểm soát dịch vẫn cho kiểm tra, đó là quyền của địa phương. |