Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, đi qua hai tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận.
Nhà thầu thi công móng cột đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân.
Ông Phạm Lê Phú, Tổng Giám đốc EVNNPT cho biết, nếu dự án chậm tiến độ, mỗi ngày phía Việt Nam phải bồi thường 23 tỉ đồng. Nếu chậm tiến độ 6 tháng, Việt Nam phải bồi thường lên tới khoảng 5.000 tỉ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng BOT nhiệt điện Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại nhà máy.
Để thực hiện nghĩa vụ của phía Việt Nam, EVN/EVNNPT đã nỗ lực hết sức để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án ở các khâu từ chuẩn bị đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, quá trình thẩm tra, phê duyệt thủ tục đầu tư dự án của các cơ quan có thẩm quyền ngoài EVN bị kéo dài, do vậy dự án mới được khởi công vào tháng 7-2021. Mặc dù đã được khởi công, nhưng dự án còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Đến nay, EVNNPT đã hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng phần móng trụ và đường tạm thi công, đã hoàn thành thẩm định kết quả đánh giá hiện trạng rừng qua địa bàn các huyện/thị xã liên quan và đã trình UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận. Hiện các thủ tục này vẫn đang chờ các địa phương trình Bộ NN&PTNT thẩm định trước khi trình Thủ tướng. Trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đến nay vẫn còn nhiều vị trí chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công.
Một khó khăn lớn khác mà EVN đang gặp phải đối với dự án này là công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị bởi trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, vật tư thiết bị, chi phí nhân công tăng cao do biến động của thị trường và ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Thời gian còn lại để triển khai dự án không còn nhiều (khoảng 15 tháng) với khối lượng công việc rất lớn. Để đảm bảo tiến độ dự án, ngoài những nỗ lực từ phía chủ đầu tư, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các tỉnh, các bộ, ngành liên quan.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, để thúc đẩy tiến độ các dự án, EVN đã có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục có liên quan đến nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để có thể hoàn thành các thủ tục pháp lý về rừng trước 31-12-2021.
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Tại cuộc họp trực tuyến với UBND tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận mới đây, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận chỉ đạo hoàn thành từng thủ tục pháp lý trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao tất cả vị trí móng và trạm biến áp của dự án chậm nhất là 30-12-2021, bàn giao hành lang an toàn lưới điện chậm nhất là đến tháng 6-2022. EVN cũng kiến nghị các địa phương thành lập ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cấp tỉnh, huyện liên quan để tập trung chỉ đạo vấn đề này cho dự án.
Bên cạnh đó, EVN đề nghị các địa phương có biện pháp xử lý cương quyết đối với những trường hợp không chấp hành phương án bồi thường đã được phê duyệt hoặc cố tình cản trở việc thi công công trình; tổ chức tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, EVN tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận hoàn thiện và trình Thủ tướng phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi đối với rừng tự nhiên và trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển đổi đối với rừng trồng trong tháng 9-2021.
Phát biểu tại các cuộc làm việc trực tuyến vừa qua, lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đều cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh vào cuộc quyết liệt, tích cực vận động nhân dân bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Lãnh đạo hai tỉnh cũng khẳng định, địa phương đặt quyết tâm cao nhất, hỗ trợ tối đa EVN để hoàn thành dự án này đúng tiến độ.