Chở khách liên tỉnh: Các địa phương phải công bố cấp độ dịch

Bộ GTVT TP.HCM đang triển khai thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô theo tuyến cố định, tuy nhiên việc có thực hiện hay không thì còn phụ thuộc vào các địa phương. Trong khi đó, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa công bố cấp độ dịch, đồng thời chưa tổ chức vận tải hành khách liên tỉnh.

Sắp hết thời gian thí điểm

Theo ghi nhận của PV, hiện nay việc người dân ở TP.HCM lưu thông qua các địa phương khác chủ yếu thông qua xe cá nhân, xe đưa đón công dân trở về quê và vận tải hành khách liên tỉnh.

Trong đó, người dân di chuyển bằng xe cá nhân là phổ biến hơn cả. Còn việc đưa đón công dân từ TP.HCM về quê cũng chỉ thực hiện ở một số địa phương nhất định và do chính quyền địa phương đó đứng ra làm cầu nối. Tương tự, đối với hình thức vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định đến nay vẫn chưa được nhiều địa phương chấp thuận. Có thể nói sau năm ngày thực hiện thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh, đến nay hành khách vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu đi lại, ngay cả trong tình huống cấp thiết.

Theo khảo sát của PV tại Bến xe Miền Đông (TP.HCM) vào ngày 16-10 cho thấy vẫn có nhiều hành khách lo lắng không mua được vé trong khi thời gian thí điểm chạy xe liên tỉnh sắp hết.

Chị Nguyễn Thị Phương (quê Lâm Đồng) cho biết: “Đã sắp hết thời gian cho phép xe chạy liên tỉnh mà tôi thì đang rất cần về trong thời điểm này. Tôi thường xuyên gọi điện thoại lên đường dây nóng của các đại lý bán vé, song họ đều nói rằng hiện nay chưa có tuyến TP.HCM - Lâm Đồng”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Dân (quê Cà Mau) cho biết chị đã tiêm đủ hai mũi vaccine nhưng chặng TP.HCM - Cà Mau đến nay cũng chưa được mở lại. “Thực ra đến nay tôi cũng không biết TP.HCM là cấp độ dịch mấy và Cà Mau là cấp độ dịch mấy. Việc đi lại, hiện nay chúng tôi rất lúng túng và cần cơ quan chức năng mau chóng giải quyết” - chị Dân nói.

Về góc độ doanh nghiệp vận tải, Tập đoàn Phương Trang cho biết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đơn vị đã có văn bản xin phép Bộ GTVT, UBND TP.HCM và các sở GTVT địa phương cho phép tổ chức 88 chuyến xe 0 đồng mỗi ngày kết nối giữa TP.HCM và 21 tỉnh, thành phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên.

Hai hành khách ở Bến xe Miền Đông (TP.HCM) phải ra về vì không mua được vé về quê. Ảnh chụp ngày 16-10. Ảnh: ĐT

Các chuyến xe 0 đồng mỗi ngày có điểm xuất phát và điểm đến tại các bến xe khách liên tỉnh của 21 tỉnh, thành miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên để đi và đến từ TP.HCM. Thời gian từ ngày 17 đến hết 20-10 (mốc thời gian thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh của Bộ GTVT).

“Ngay khi được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước, Công ty Phương Trang lập tức mở bảng tài giờ xe chạy. Người dân liên hệ qua tổng đài 19006067 để đặt chỗ, nhận được sự hướng dẫn và sắp xếp thời gian đi lại phù hợp. Trước khi lên xe, người dân lưu ý phải đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch theo Quyết định 1777 của Bộ GTVT” - ông Đào Viết Ánh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines, cho hay.

Sẽ có sự thống nhất trong việc đi lại

Đến nay, khu vực ĐBSCL đã có hai địa phương là Đồng Tháp và Vĩnh Long đồng ý cho vận tải hành khách liên tỉnh kết nối với TP.HCM. Trong đó, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long sẽ bắt đầu thí điểm từ hôm nay
(18-10) cho tới khi có thông báo mới. Còn Đồng Tháp đã bắt đầu thí điểm từ ngày 14 đến hết 20-10.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, cho biết đến nay có 13 tỉnh, thành đồng ý kết nối vận tải hành khách liên tỉnh với TP.HCM. Trong đó, tám địa phương là có xe đăng ký chạy. Tuy nhiên, từ ngày 15-10, tỉnh Đắk Lắk bắt đầu tạm ngưng hoạt động nên chỉ còn lại bảy địa phương đang kết nối với TP.HCM.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT, cho biết hiện nay Bộ GTVT sẵn sàng ban hành văn bản hướng dẫn đi lại giữa các địa phương nhưng bộ còn băn khoăn khi các địa phương chưa công bố cấp độ dịch ở chính các địa phương đó.

Trường hợp Bộ GTVT ban hành việc hướng dẫn đi lại trong thời điểm này sẽ gây hoang mang cho người dân, vì chính họ cũng chưa xác định được cấp độ dịch ở nơi họ đang sống và điểm đến. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ có phương án thống nhất việc đi lại nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại được thông suốt, an toàn theo từng cấp độ dịch.

Theo đó, các địa phương phải chịu trách nhiệm xác định cấp độ dịch và công bố cho người dân được rõ. Sau đó, người dân mới xác định được việc mình di chuyển có cần phải thực hiện xét nghiệm hoặc cần phải tiêm đủ hai mũi vaccine hay không. Sau khi các địa phương cùng công bố các cấp độ dịch thì ngành giao thông mới kiểm soát được.

Tạm thời trong thời gian này, các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Sau đó, Bộ GTVT đánh giá, nghiên cứu và ban hành quy định đi lại chung để có sự thống nhất giữa các địa phương.

“Chúng ta đang chuyển đổi từng bước một, do Nghị quyết 128 mới ban hành, Bộ Y tế cũng mới ban hành hướng dẫn nên cần có thời gian để các địa phương đánh giá và công bố cấp độ dịch” - ông Dũng cho hay.•

Ngưng tuyến xe liên tỉnh TP.HCM - Đắk Lắk

Theo Sở GTVT TP.HCM, đến chiều 15-10, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk có công văn về việc tạm dừng hoạt động thí điểm vận tải hành khách tuyến cố định TP.HCM - Đắk Lắk và ngược lại.

Cụ thể, qua kiểm tra, Sở GTVT và lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk phát hiện một số ô tô vận tải hành khách hoạt động không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trường hợp vi phạm là nhà xe Thuận Hiếu thuộc Công ty TNHH Vận tải Thịnh An (đơn vị vận tải tỉnh Đắk Lắk).

Theo tường trình của Công ty TNHH Vận tải Thịnh An, khi xe xuất bến tại Bến xe Ngã Tư Ga, được đại diện bến xe xác nhận có bốn người trên xe (gồm hai tài xế và hai hành khách). Trong suốt hành trình từ TP.HCM về đến chốt kiểm soát Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), tài xế đã đón thêm 18 hành khách.

Sau đó, tại chốt kiểm soát Hòa Phú, toàn bộ hành khách được lực lượng y tế rà soát, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, ba hành khách là một gia đình có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm