Chưa công bằng giữa các dự án BOT

“Nguyên nhân một số doanh nghiệp BOT đang gặp khó khăn do lưu lượng phương tiện qua trạm ít, việc phân luồng giao thông ở một số địa phương và giá vé. Để tháo gỡ, Nhà nước phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng việc điều chỉnh thời gian thu phí, ưu đãi vốn vay…”.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nêu vấn đề như trên tại buổi tọa đàm khơi nguồn tín dụng BOT giao thông, do báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức sáng 17-12.
Theo Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng): Các dự án BOT vừa qua có thể nói là “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. 
Điển hình, dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ là cửa ngõ phía nam của thủ đô, các xe trong cả nước khi về thủ đô hầu như phải qua đây. Trong khi đó, một số dự án của Tổng Công ty 36 đầu tư ở vùng núi như BOT quốc lộ 19 (đoạn qua tỉnh Bình Định và Gia Lai) hay BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình lại vô cùng khó khăn, lưu lượng xe rất thấp, vỡ phương án tài chính.
Tiếp vấn đề này, ông Lê Thanh Vân vẫn lấy ví dụ về tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cho rằng theo quan điểm cá nhân, cần phải làm rõ một số vấn đề đối với tuyến này. Vì theo ông, dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ không phản ánh đúng bản chất của BOT. Dự án lạm dụng BOT để trục lợi, lấy tiền của dân một cách bất minh.
“Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư khác triển khai dự án ở vùng sâu, vùng xa nhưng Nhà nước không có chính sách kích hoạt ưu đãi. Tôi cho rằng vấn đề này không sòng phẳng…” - ông Vân cho nói.
Cùng quan điểm, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, cho biết hiện nay dự án hầm đường bộ Đèo Cả và dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành nhưng doanh thu thấp, không đủ trả lãi ngân hàng.
Nguyên nhân, cơ chế chính sách thay đổi, Nhà nước không thực hiện các cam kết trong hợp đồng. Chẳng hạn, dự án hầm đường bộ Đèo Cả, trong hợp đồng cam kết khi hoàn thành sẽ thu phí tại bảy trạm. Tuy nhiên, khi các quy định về vị trí trạm thu phí thay đổi thì nhà đầu tư chỉ được thu phí trên năm trạm.\
Một số doanh nghiệp dự án BOT cho hay đang gặp khó khăn về doanh thu. Ảnh: V.LONG
Theo Phó Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, hiện nay Nhà nước và nhân dân đang hưởng lợi từ giao thông nói chung và BOT nói riêng nên không thể “mang con bỏ chợ”. Dẫn chứng việc một số người dân phản ánh vị trí đặt trạm thu phí trên quốc lộ 6, ông Nhưỡng cho rằng doanh nghiệp không thể tự ý đặt trạm ở đó mà phải được sự đồng ý của địa phương. Do vậy, khi dân phản ứng tỉnh cũng phải có trách nhiệm chứ không thể “núp” được. 
Về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp dự án, ông Nhưỡng cho rằng Nhà nước cũng phải tính toán mua lại một số dự án BOT. “Giờ không thể để doanh nghiệp, ngân hàng chết. Nếu các ngân hàng “đầu đàn” chết sẽ kéo theo nền kinh tế nên Nhà nước cần chia sẻ” - ông Nhưỡng nói. 
Ngoài ra, ngân hàng và nhà đầu tư cần phải ngồi lại với nhau để bàn về chính sách, chiến lược thu hút nguồn vốn riêng cho BOT. “Quốc hội vừa cấp vốn tín dụng cho Vietnam Airlines và tăng vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì bây giờ phải nhìn nhận vấn đề này vào chương trình này như thế nào…” - ông Nhưỡng gợi mở. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm