Công viên Mê Linh khánh thành, lòng dân vui như hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-3, Công viên Mê Linh (quận 1, nơi có tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo) và Công viên bến Bạch Đằng chính thức được khánh thành. Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cùng các vị đại biểu đã trang trọng cắt băng khánh thành hai công viên này.

Công viên Mê Linh vừa hoàn thành kết hợp với Công viên bến Bạch Đằng đã chỉnh trang xong và đưa vào sử dụng trước đó đã tạo nên khu mặt tiền TP.HCM hướng sông Sài Gòn. Nơi đây là một chuỗi không gian công cộng cùng với các công trình lịch sử, văn hóa đặc sắc của TP.

Công viên Mê Linh và Công viên bến Bạch Đằng chính thức được khánh thành vào ngày 17-3. Ảnh: NGUYỆT NHI

Mong chờ công viên khánh thành

“Thường ngày tôi đi làm qua khu vực Công viên Mê Linh và bến Bạch Đằng. Trước đây không gian khu vực này không được khang trang như vậy đâu. Ngay ngày công viên khánh thành tôi đã cố tình đi làm sớm hơn để tham quan và cảm nhận sự tươi mới nơi đây” - anh Nguyễn Văn Thắng, nhân viên văn phòng ở quận 4, cho biết.

Vừa đi vừa ngắm khung cảnh, anh Thắng cho biết rất vui mừng khi TP có thêm khu sinh hoạt công cộng thoáng mát và mang đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, anh Thắng cũng cho rằng TP nên nghiên cứu tổ chức thêm chỗ giữ xe hay các tiện ích khác để người dân thuận lợi hơn khi đến công viên tham quan, giải trí.

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, bày tỏ: “Đây là niềm vui rất to lớn, không phải của riêng tôi mà là của người dân TP. Trước đây khu này là cảng với kết cấu “trên bến dưới thuyền”. Theo quy hoạch vận tải thì khu vực này không còn là cảng nữa, cơ quan chức năng đã chỉnh trang, tôn tạo thành khu sinh hoạt cộng đồng của người dân TP”.

Theo ông Điệp, Công viên Mê Linh khánh thành có ý nghĩa lịch sử to lớn vì khu vực này có tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Sau khoảng tám tháng thi công (có thời gian ngưng thi công do ảnh hưởng của dịch COVID-19), công viên đã được đưa vào hoạt động cùng Công viên bến Bạch Đằng được người dân rất hoan nghênh.

“Đây là một không gian sinh hoạt công cộng quan trọng, kết nối từ đường Nguyễn Huệ ra Công viên bến Bạch Đằng, cột cờ Thủ Ngữ và sau này là không gian dọc bờ sông Sài Gòn. Vì vậy, khu vực này có vị trí hết sức quan trọng cho việc chỉnh trang đô thị TP” - ông Điệp nói.

Những giá trị cần gìn giữ và tôn tạo

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư buýt đường sông số 1), chia sẻ: “Công viên có tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo, là một nơi hoạt động cộng đồng tiếp nối văn hóa trên bến dưới thuyền 300 năm. Chúng ta cần nâng cao giá trị thiêng liêng của không gian này, của vùng văn hóa này và các giá trị cần được gìn giữ, tôn tạo”.

Theo đại diện Sở Xây dựng TP, một trong những nhiệm vụ quan trọng khi thực hiện dự án chỉnh trang Công viên Mê Linh là thực hiện công tác trùng tu tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Trải qua thời gian dài, tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo đã có những chỗ bị thời tiết và môi trường xâm thực, không đảm bảo an toàn và mỹ quan.

Công tác trùng tu đã được nghiên cứu, tham vấn kỹ lưỡng bởi Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa (thuộc Sở VH&TT TP) cùng các chuyên gia đầu ngành. Sau khi trùng tu, tôn tạo, tượng đài vẫn giữ được nguyên bản trước đây, đồng thời TP đã thiết kế tăng cường hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cho tượng đài.

Ngoài ra, Công viên Mê Linh hoàn thành với quy mô chỉnh trang gần 0,6 ha được thực hiện sửa chữa, nâng cấp nhằm tôn tạo đồng bộ cảnh quan cho khu vực, kết nối cảnh quan Công viên bến Bạch Đằng đến cột cờ Thủ Ngữ.

Khuôn viên công viên cũng được thực hiện cải tạo lối đi, đường dạo bằng vật liệu đá granite; tăng thêm tiện ích ghế ngồi tại các khu vực tiểu cảnh; lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng, tăng cường mảnh xanh. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cải tạo cây xanh bóng mát góp phần cải thiện không gian sinh hoạt công cộng tại khu vực song vẫn đảm bảo giữ nguyên ý tưởng kiến trúc công trình.•

Người dân rất đồng tình với việc chỉnh trang công viên

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM: “Bến Bạch Đằng là không gian công cộng của TP và đã có lịch sử từ lâu đời. Ở đây thường xuyên diễn ra các hoạt động cộng đồng, kinh tế đến văn hóa nên chắc chắn nơi đây rất có tiềm năng phát triển về kinh tế và văn hóa”.

Theo TS Hậu, sau khi chỉnh trang, TP cần tái lập các hoạt động văn hóa cộng đồng tại đây. Các hoạt động này cần có sự tổ chức và điều tiết của Nhà nước để làm thật trật tự, an toàn. Đi kèm với đó, các hoạt động phải hướng đến lợi ích và mang lại lợi ích cho nhiều tầng lớp dân cư.

Là người chủ trì công trình nghiên cứu khảo sát mức độ hài lòng của người dân với khu bến Bạch Đằng, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng Khoa văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, bày tỏ: “Sau khảo sát, tôi nhận thấy đa số người dân đều rất đồng tình với việc cần chỉnh trang để có một công viên đúng nghĩa, là sân chơi và mở ra cửa ngõ để người dân TP ngắm nhìn hướng ra sông. Theo sông, ta có thể hướng ra biển và kết nối với những địa phương khác”.

Theo ông Thơ, tất cả luồng giao thông thủy và bộ đều gặp gỡ nhau tại bến Bạch Đằng này và khi khách tham quan đến, người dân đến để tập thể dục, giải trí, vui chơi... đã tạo ra bức tranh rất sinh động. Đó là những gì mà người dân mong muốn.

“Một điều tôi rất vui khi những bác hưu trí, những người lớn tuổi đã chứng kiến nhiều thăng trầm của TP cũng mong muốn có một không gian đủ rộng, nơi sinh hoạt và sắc màu TP để có thể được tiếp sức mỗi ngày. Đồng thời, họ có thể ra đó hít thở không khí trong lành, lắng nghe dòng sông và nhịp sống của TP” - ông Thơ chia sẻ thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm