Diện mạo tuyến đường Lê Lợi sau khi Metro số 1 bàn giao mặt bằng

Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) vừa báo cáo UBND TP.HCM về đề xuất ba giai đoạn thiết kế cảnh quan đường Lê Lợi, đoạn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành khi Metro số 1 giao mặt bằng.

Đề xuất này được Sở QH-KT đưa ra sau khi thực hiện cuộc thi ý tưởng thiết kế cảnh quan đường Lê Lợi. Mục đích là nhằm kịp thời tái lập diện mạo đô thị, ổn định hoạt động kinh doanh, buôn bán và dịch vụ khu vực ngay sau khi Ban Quản lý đường sắt Đô thị (MAUR) hoàn trả mặt bằng thi tuyến metro số 1 trên đường Lê Lợi.

le-loi

Sở QH-KT đề xuất ba giai đoạn thiết kế cảnh quan đường Lê Lợi, quận 1. Ảnh: MAUR 

Cụ thể, giai đoạn 1 là ngay khi MAUR hoàn trả mặt bằng xây dựng tuyến metro số 1, nhà thầu sẽ tái lập, làm mới vỉa hè, lề đường (bên phải - cùng phía với khách sạn Rex) của trục Lê Lợi. Hình thức lát gạch vỉa hè sẽ thực hiện tương tự hình thức lát gạch phía trước tòa nhà Saigon Center.

Sở QH-KT chịu trách nhiệm thiết kế tương đồng hoặc thu xếp sử dụng lại thiết kế tòa nhà cho đồng bộ tuyến đường, có bổ sung lối dẫn đường cho người tàn tật và các bồn hoa mới. Chi phí vật tư ước tính hơn 21 tỉ đồng.

Giai đoạn này có thiết kế đơn giản chủ yếu duy trì tuyến giao thông Lê Lợi như trước, chỉ điều chỉnh vỉa hè hai bên được đồng bộ, có kết hợp trồng lại cây xanh.

Sau khi hoàn thành việc cải tạo bên phải, sẽ thực hiện bên trái theo thiết kế đồng bộ, gồm đoạn từ Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn đến dự án Khu thương mại Thương xá Tax.

Giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện thiết kế đô thị trên lòng đường và vỉa hè với các nâng cấp về tiện ích xã hội nhằm khuyến khích người đi bộ sử dụng phương tiện công cộng và thương mại hai bên trục đường.

le-loi

Trước đó, MAUR đã bàn giao một phần mặt bằng đường Lê Lợi. Ảnh: ĐT.

Mục tiêu của giai đoạn này là giúp thay đổi bộ mặt của trục đường một cách mạnh mẽ với các phương án cụ thể như: Đề xuất tăng vỉa hè cho đi bộ, phân làn đường dành riêng cho xe buýt và xe đạp, điều chỉnh làn đường cho xe máy và ô tô cũng như thí điểm các trạm xe đạp công cộng, tăng cường tiện ích công cộng…

Bên cạnh đó là đề xuất giải pháp mái che cho người đi bộ, giải pháp kết nối các ga metro với các phương tiện công cộng, đề xuất các khu vực được buôn bán trên vỉa hè ...

Giai đoạn 3 là mở rộng ranh nguyên cứu và thực hiện ra các dãy nhà dọc hai bên đường Lê Lợi với mục đích ưu đãi về mặt hệ số sử dụng đất, tầng cao, khoảng lùi để khuyến khích thương mại - dịch vụ và thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó cần chỉnh trang đồng bộ mặt đứng, cũng như quy định về biển quảng cáo... nhưng vẫn giữ được những kiến trúc mang giá trị văn hóa – lịch sử.

Sở QH-KT đề xuất ưu tiên triển khai trước giai đoạn 1 vì giai đoạn này sẽ thực hiện ngay trước khi MAUR trao trả mặt bằng, khi đó có thể tận dụng hàng rào của công trình để thi công, tránh việc tháo và lắp lại nhiều lần.

Đồng thời Sở cũng kiến nghị UBND TP.HCM giao MAUR và Sở GTVT cho giữ lại các tấm rào chắn công trường hiện hữu cho đến khi hoàn tất việc thi công thiết kế cảnh quan khu vực.

Trước đó, năm 2016, để thi công ga Bến Thành (tuyến metro số 1), nhiều đoạn trên các đường Lê Lợi, Lê Lai, Trần Hưng Đạo bị rào chắn. Trong đó, khu vực đường Lê Lợi được coi là khu đất đắt giá ở trung tâm TP.HCM.

Việc sớm hoàn trả mặt bằng, xây dựng ý tưởng thiết kế không chỉ giúp giao thông thông thoáng mà còn tạo điểm nhấn cho tuyến đường này.

Tháng 4-2021, MAUR cũng đã hoàn trả một phần mặt bằng đường Lê Lợi. Hiện nay, chủ đầu tư tuyến metro số 1 đang tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án để tiếp tục bàn giao mặt bằng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm