Theo Bộ Y tế, ngày 19-7, Bộ Y tế ban hành Công văn 5753 về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hoá. Tuy nhiên theo phản ánh hiện nay một số địa phương chưa thực hiện đúng và đầy đủ như hướng dẫn tại Công văn này.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị vận tải, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ đi cùng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình hoạt động.
Cụ thể là phải khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình và đảm bảo xuất trình được mã QR kết quả khai báo y tế khi có yêu cầu kiểm tra.
Các tài xế vẫn phải có giấy xét nghiệm khi di chuyển. Ảnh: NGUYỆT NHI.
Đối với địa bàn thực hiện Chỉ thị 16, Bộ Y tế yêu cầu đơn vị vận tải, chủ phương tiện chỉ cho phép người điều khiển và nhân viên đi cùng khi đã có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 được thực hiện trong vòng 3 ngày (72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm).
Về kiểm tra quy định phòng, chống COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận tải hàng hoá thực hiện như sau:
Tại các địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi,...): Thực hiện nghiêm việc kiểm tra giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 và các quy định phòng, chống dịch đối với người điều khiển, nhân viên nghiệp vụ đi cùng. Phương tiện vận chuyển hàng hoá khi ra vào các địa điểm này, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, thuận lợi và không gây ùn tắc.
Tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 và trên các tuyến giao thông: Không kiểm tra Giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển và nhân viên nghiệp vụ đi cùng khi lưu thông giữa các tỉnh, TP đang cùng thực hiện Chỉ thị 16 gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và 16 tỉnh thực hiện giãn cách theo Công văn số 969 của Thủ tướng.
Đồng thời không kiểm tra phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát dịch trên tất cả các tuyến giao thông đối với phương tiện vận tải hàng hoá có giấy nhận diện phương tiện theo thời hạn do Sở GTVT tỉnh, TP cấp. Chỉ kiểm tra (thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát trên tuyến) đối với các phương tiện có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống dịch và an toàn giao thông.
Xử lý nghiêm theo quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện vi phạm quy định phòng, chống COVID-19 bị phát hiện trong quá trình kiểm tra tại địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá hoặc trên tuyến.
Bộ Y tế yêu cầu bố trí ngay nhân lực và test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các điểm tập kết phương tiện do địa phương tổ chức. Cụ thể, tại các điểm dừng nghỉ, bến xe khách, bến xe tải, cảng biển, cảng bến thuỷ nội địa, điểm neo đậu phương tiện thuỷ nội địa để xét nghiệm cho người điều khiển và nhân viên đi cùng từ khu vực áp dụng Chỉ thị 16 đến khu vực áp dụng quy định phòng, chống dịch cấp độ thấp hơn.
Trường hợp bất khả kháng (do sự cố liên quan đến phương tiện vận chuyển, lý do thời tiết, hạ tầng giao thông,...) thời gian đến điểm cuối hành trình vượt quá 3 ngày (72 giờ), thì tạo điều kiện cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá, nhân viên đi cùng.
Cụ thể, các nhóm trên lấy mẫu và xét nghiệm tại các điểm tập kết phương tiện do địa phương tổ chức (đảm bảo thời gian 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm đến thời điểm kết thúc hành trình vận chuyển).
Trước đó, PLO có thông tin trong cuộc họp với Bộ GTVT chiều tối 19-7, các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Nông, Bình Thuận, Lâm Đồng, TP.HCM... đều thống nhất không kiểm tra giấy xét nghiệm đối với tài xế vận chuyển hàng hóa trong nội vùng đang thực hiện Chỉ thị 16.
Tuy nhiên, tại các chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ TP.HCM và một số tỉnh vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 của tài xế trong quá trình lưu thông.