Ngay khi Bắc Ninh xuất hiện những điểm dịch COVID-19 đầu tiên, tỉnh này đã kích hoạt đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc thần tốc truy vết, xét nghiệm các đối tượng liên quan để kịp thời có biện pháp ứng phó.
TS. Phạm Hồng Thắng, chuyên gia xét nghiệm Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, thành viên Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Ninh, đã dành thời gian chia sẻ về chiến lược xét nghiệm của Bắc Ninh để giúp địa phương đẩy lùi COVID-19.
Chiến lược xét nghiệm 4 lớp đang phát huy hiệu quả, giúp Bắc Ninh sớm đẩy lùi dịch COVID-19. Ảnh: HM
Theo ông Thắng, Bắc Ninh hiện có 3 phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2, với tổng công suất đạt 11.000 ống mẫu/ngày. Nếu làm gộp mẫu theo quy định của Bộ Y tế, công suất tối đa đạt khoảng 110.000 mẫu/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu xét nghiệm.
Với virus SARS- CoV-2 biến chủng Delta (xuất phát từ Ấn Độ), tốc độ nhân lên rất nhanh, chỉ khoảng 3 ngày, tương đương với các chu kỳ nhân lên và lây nhiễm trong quần thể dân có người nhiễm.
Chính vì vậy, các chuyên gia tại Bắc Ninh đã đưa ra chiến lược xét nghiệm SARS-CoV-2 phù hợp với từng nhóm cộng đồng nguy cơ khác nhau.
Trong đó, các thôn có ca nhiễm (F0) trong vòng 7 ngày được coi là có nguy cơ cao, được lấy mẫu xét nghiệm 3 đợt vào các ngày 1, 4, 7; lấy mẫu toàn dân gộp theo hộ gia đình để kịp thời phát hiện những ca mới đưa đi điều trị, thực hiện truy vết những người tiếp xúc gần F1, F2.
Các địa điểm có nguy cơ thấp hơn như các thôn, xã có ca nhiễm trong 8-14 ngày xét nghiệm 2 đợt vào các ngày 1, 7; các thôn trong 14 ngày không có ca mắc xét nghiệm 1 đợt, hình thức lấy mẫu xét nghiệm như trên.
Với những địa bàn thôn, xã chưa ghi nhận ca nhiễm, do đặc thù của COVID-19 là 80% người nhiễm không có triệu chứng nên cần phải triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, nhưng chỉ lấy mẫu đại diện 1 người trong hộ gia đình để làm xét nghiệm.
Cũng theo ông Thắng, Bắc Ninh có hơn 1.000 công ty, doanh nghiệp nên số công nhân và người lao động là rất lớn. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đề nghị các công ty có người nhiễm trong vòng 14 ngày muốn quay trở lại sản xuất cần xét nghiệm sàng lọc toàn bộ công nhân và xét nghiệm thêm 2 đợt cách nhau 3 ngày, khi không có ca dương tính mới được đi vào sản xuất.
Sau 2 đợt xét nghiệm nêu trên, cơ quan y tế sẽ tiến hành xét nghiệm sàng lọc từ 10-20% người lao động/tuần.
Đối với các công ty hơn 14 ngày không có ca nhiễm, cơ quan y tế sẽ xét nghiệm sàng lọc toàn bộ người lao động trước khi khởi động lại sản xuất, sau đó thực hiện xét nghiệm sàng lọc 10- 20% người lao động/tuần.