Hoàn tiền cho khách trả vé tàu, máy bay vì COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân lo lắng đã hủy lịch trình về quê ăn tết. Do đó, rất đông người dân đã đến nhà ga, bến xe, liên hệ với các đại lý bán vé máy bay để trả lại vé ngay trước những ngày tết cận kề.
Khách chấp nhận hủy, trả và đổi vé
Khảo sát của PV cho thấy một lượng khách lớn đã đặt vé máy bay đã dồn dập đổi ngày/giờ bay, đổi hành trình và hoàn vé khiến các đại lý căng sức để xử lý. Trong đó, tập trung nhiều nhất là trên chặng bay có lượng khách đi lại cao dịp tết từ TP.HCM đi Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.
Chị Hồ Thị Hiền (quận Bình Thạnh) cho biết: “Tôi đã đặt bốn vé cho cả nhà về Nghệ An lúc cận tết nhưng dịch bệnh bùng phát trở lại nên tôi khá ái ngại, chưa biết có về hay không. Người thân ở quê cũng dặn dò nếu không an tâm thì nên ở lại” - chị Hiền chia sẻ. 
Theo chị Hiền, mặc dù đường bay từ TP.HCM về Nghệ An vẫn bay bình thường nhưng tâm lý lo ngại lỡ khi về quê dịch bệnh bùng phát sẽ phải cách ly và khi trở lại TP.HCM cũng sẽ rất chật vật.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng (quận Gò Vấp) đã mua bốn vé khứ hồi trên chặng bay TP.HCM - Hà Nội để về Thái Bình ăn tết. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh quyết định đổi lịch bay sang dịp hè để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà. Anh cho biết đã mua vé từ nhiều tháng khi dịch bệnh được kiểm soát tốt với giá khá mềm nhưng cũng hết hơn 20 triệu đồng. Dù phải đổi hành trình nhưng anh cũng chấp nhận vì không còn sự lựa chọn khác.
Còn tại ga Sài Gòn, ghi nhận của PV sáng 2-2, với tâm trạng lo lắng, nhiều người dân đã đến lấy số thứ tự từ 7 giờ sáng để được đổi, trả vé. Mặc dù một số hành khách về địa phương chưa có ca lây nhiễm nhưng nhiều người lo sợ sau khi trở lại TP.HCM sẽ bị cách ly 21 ngày nên chấp nhận hủy lịch trình.

Hành khách xếp hàng dài tại khu vực sảnh ga quốc nội 
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để về quê đón tết. 
Ảnh: PHONG ĐIỀN

Ngày 2-2, nhiều người dân đã đến ga Sài Gòn để đổi, trả vé. Ảnh: THY NHUNG

Anh Đoàn Văn Chung (quê Ninh Bình) buồn bã chia sẻ: “Tôi mua hai cặp vé khứ hồi hơn 10 triệu đồng, giờ trả vé bị khấu trừ 30% (hơn 3 triệu đồng) nhưng quy định thì phải chịu. Quê tôi chưa có ca nhiễm nào nhưng sợ rằng trong vài ngày tới sẽ ảnh hưởng thì chúng tôi khó mà quay trở lại TP.HCM hoặc có thì cũng sẽ phiền hà nhiều thứ”.

Tương tự, một hành khách khác quê Nghệ An cho biết anh mua bốn vé ngày 6-2 với giá 2,2 triệu đồng/vé nhưng đành hoãn lại. “Dù rất buồn vì mất tiền và 90 ngày sau mới nhận được số tiền hoàn lại nhưng không về năm nay thì có thể về năm sau. Ở lại để phòng dịch sẽ tốt hơn” - hành khách này cho biết.
Mỗi ngày hoàn tiền hàng tỉ đồng 
Theo một số đại lý vé máy bay, những ngày gần đây khách dồn dập liên hệ các đại lý để đổi ngày/giờ bay, đổi hành trình và hoàn vé tăng đột biến khiến nhân viên các đại lý rất vất vả.
Chị Hoa Nguyễn, phụ trách một phòng vé, thông tin thay vì chần chừ để nghe ngóng tình hình dịch bệnh, lượng khách quyết định ngưng chuyến bay 3-4 ngày nay tăng không ngừng. Số khách này chủ yếu đổi ngày bay sang tháng 3 đến tháng 4 khá nhiều. “Hiện đại lý đang chờ hướng dẫn từ các hãng để có phương án xử lý kịp thời và hỗ trợ khách tối đa nhưng do khối lượng vé lớn nên việc xử lý khách lẻ mất nhiều thời gian” - chị Hoa nói.
Còn ông Phạm Đình Duy, điều hành đại lý vé cấp 1 tại TP.HCM, cho hay những ngày này, trung bình một ngày có vài trăm khách liên hệ đại lý yêu cầu đổi ngày/giờ bay và hoàn vé. “Với một lượng khách lớn như vậy, mỗi ngày chúng tôi phải hoàn lại số tiền cả tỉ đồng. Đây là một năm bết bát từ trước đến nay mà các đại lý gặp phải” - ông Duy cho biết.
Ông Duy chia sẻ do tâm lý bất an đã ảnh hưởng dây chuyền đến khách đi lại trên nhiều đường bay nội địa, thậm chí nhiều đường bay ít bị ảnh hưởng dịch bệnh cũng bị hệ lụy. Nói về chính sách đổi, trả vé, ông Duy cho biết mỗi hãng hàng không có chính sách khác nhau nên cách thức xử lý cũng khác nhau. 
Cụ thể, với chặng bay đến Vân Đồn, do sân bay này đóng cửa tạm thời để ứng phó dịch bệnh nên khách được hoàn tiền miễn phí. Còn các chặng bay khác vẫn khai thác bình thường nhưng khách không muốn bay thì có thể bảo lưu, đổi ngày/giờ, hành trình bay phải trả thêm phí.
Văn bản hỏa tốc làm hành khách yên tâm
Để giải tỏa tâm lý cho hành khách, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa có văn bản hỏa tốc gửi các hãng hàng không về việc giải quyết đối với những hành khách không thể thực hiện được chuyến bay do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Sân bay Nội Bài hoạt động bình thường
Trước thông tin ảnh hưởng không tốt đến việc đi lại của hành khách đi lại bằng đường hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cục HKVN đã lên tiếng khẳng định Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã và đang khai thác bình thường, ổn định. 
Cục Hàng không đánh giá các cảng hàng không nói chung và đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế lớn là cửa ngõ giao thông hàng không có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị quan trọng trong hệ thống giao thông của Việt Nam và trong khu vực. Vì vậy, ngay khi dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát, cục đã chỉ đạo Tổng Công ty Cảng HKVN (ACV) phối hợp với cơ quan kiểm soát dịch bệnh tại cảng hàng không và các đơn vị có liên quan để xây dựng quy trình phòng, chống dịch qua đường hàng không và đạt hiệu quả cao.
Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã thực hiện phương án khoanh vùng cụ thể trong trường hợp dịch bệnh lây lan; phối hợp với đơn vị y tế để xử lý… Cùng đó, cán bộ, nhân viên tại đây được khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên. Trường hợp xảy ra nguy cơ, bố trí phương án phối hợp với cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm kịp thời, đầy đủ. Tất cả nhân viên làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đều được quán triệt, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch nghiêm ngặt, được cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng dịch trong quá trình làm việc tại cảng.  
Cục HKVN yêu cầu các hãng hàng không khẩn trương thực hiện đổi, hoàn vé (tiền mặt hoặc voucher nếu có sự đồng ý của hành khách). Việc đổi, hoàn vé, kể cả đối với vé có các điều kiện hạn chế (không được đổi ngày/giờ bay, không đổi hành trình, không hoàn vé) và cả đối với khách mua vé nhưng không thực hiện chuyến bay do ở khu vực bị phong tỏa, cách ly trên các đường bay hãng vẫn khai thác bình thường.
Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng hàng không khẩn trương triển khai cụ thể về quy trình, thủ tục đổi vé, hoàn vé nêu trên và kịp thời thông tin rộng rãi cho hành khách qua hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng, trang thông tin điện tử, văn phòng, đại lý bán vé của hãng.
Tương tự, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết ngành đường sắt cũng có các chương trình hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Cụ thể, đối với hành khách đã mua vé từ ngày 2 đến 28-2 có thể lựa chọn hai phương án. 
Thứ nhất, bảo lưu vé trong thời gian một năm kể từ ngày khởi hành ban đầu. Trường hợp khách có nhu cầu thay đổi thời gian và hành trình đi tàu sẽ được miễn phí chuyển đổi hành trình, chỉ thu chênh lệch giá vé (nếu có). Nếu hành khách không sử dụng vé để đi trong năm 2021 thì sẽ được hoàn lại toàn bộ tiền kể từ ngày 1-1-2022.
Thứ hai, đối với hành khách có nhu cầu trả vé, ngành đường sắt sẽ thực hiện theo quy định hiện hành. Nghĩa là hành khách phải chịu mức khấu trừ trả vé, đổi vé là 30% giá tiền in trên thẻ. Việc hoàn tiền cho hành khách sẽ được thực hiện sau 90 ngày tính từ ngày trả vé. Hành khách thực hiện việc hoàn đổi, trả vé tại các nhà ga hoặc trả vé online qua website dsvn.vn (nếu hành khách mua vé và thanh toán online qua website bán vé của ngành đường sắt, app bán vé hoặc các ứng dụng mua vé tàu hỏa của các đối tác thứ ba) ít nhất trước 24 giờ so với giờ khởi hành. Việc hỗ trợ chỉ áp dụng một lần đối với một vé.
Ông Nguyễn Ánh Luyện, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết riêng ngày 1-2, số lượng khách trả vé tại chi nhánh này lên đến hơn 2.000 vé. “Trước tình hình người dân trả vé nhiều như thế này, chúng tôi đã phải huy động hết nhân sự để hỗ trợ và phục vụ người dân tốt nhất có thể” - ông Luyện nói.•
Trả vé xe khách được hoàn tiền đến 90%
Ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết theo thống kê từ doanh nghiệp vận tải, việc người dân đổi, trả vé diễn ra từ chiều 1-2, số lượng người dân đổi vé rải rác, không nhiều.
Bến xe yêu cầu doanh nghiệp vận tải hỗ trợ cho người dân thuận tiện đổi, trả vé trong tình hình dịch COVID-19. Theo đó, các tuyến có cự ly trên 300 km, đổi, trả vé trước bốn tiếng sẽ được hoàn 90%, trước hai tiếng hoàn 70%, còn cự ly dưới 300 km trước hai tiếng hoàn 90% và trước một tiếng hoàn 70% giá vé.
“Chúng tôi sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa và khuyến khích doanh nghiệp vận tải bảo lưu vé cho hành khách. Hiện nay chưa có chính sách trả vé online nên nếu hành khách mua vé tại doanh nghiệp vận tải hoặc quầy vé có thể đến bến xe để đổi, trả vé trực tiếp” - ông Chín nói.
Theo ông Chín, việc đổi, trả vé phải được chấp thuận. Nếu doanh nghiệp vận tải không cho hành khách đổi, trả vé, hành khách có thể phản ánh đến bến xe. Sau đó, bến xe sẽ làm việc với doanh nghiệp thực hiện đúng quy định để đáp ứng nhu cầu của hành khách. Ông Chín cũng cho biết hiện bến xe đã ngưng hoạt động các tuyến về vùng dịch gồm tuyến đi Gia Lai, Hải Dương và Quảng Ninh. 
“Để phục vụ tốt cho hành khách, bến xe theo dõi sát sao Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của các tỉnh. Tỉnh nào công bố địa điểm nào giãn cách, phong tỏa hoặc ngưng hoạt động vận tải thì chúng tôi sẽ ngưng ngay” - ông Chín cho biết. THU TRINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm