Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa đi kiểm tra thực tế công tác sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Tại đây, ông yêu cầu đơn vị thực hiện dự án chú trọng đến chất lượng công trình và tiến độ dự án.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết hiện dự án sửa cầu Thăng Long hoàn thành lắp đặt xong hai trạm trộn bê tông, hai nhà mái che di động dài 240 m, tháo dỡ xong hệ thống hộ lan hiện hữu dài 3,3 km. Với các hạng mục hàn đinh neo, cốt thép, bê tông nhựa polyme đơn vị thi công đã hoàn thành phần thí nghiệm đầu vào, đang nhập vật liệu để thi công.
Chưa đồng tình với việc bố trí nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng nên bố trí chuyên gia đến Việt Nam thành hai đợt. Một nhóm khẩn trương vào Việt Nam để hướng dẫn các kỹ sư tại công trường, không thể làm trực tuyến mãi..., nhóm còn lại có thể vào sau.
Mặt cầu Thăng Long sẽ được thảm lớp nhựa có cường độ chịu nén cao, có khả năng uốn dẻo, kéo giãn mà không bị rách. Ảnh: V.LONG
Cạnh đó, trường hợp đinh neo về chậm, nhà thầu phải tăng các mũi hàn và thiết bị hàn, kể cả làm ba ca để đáp ứng tiến độ. “Dự án này không thể sai sót, phải làm đúng quy trình vì đây là uy tín của ngành giao thông. Cầu sửa lần này rất kỹ lưỡng và sử dụng công nghệ hiện đại nhất, nên tuổi thọ phải đảm bảo ít nhất 10 năm”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức 269 tỉ đồng. Cầu được sửa chữa bằng công nghệ Bridge Deck Membrane (BDM) của Mỹ, bắt đầu thi công từ ngày 16-8. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối quý 4/2020.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Cầu được các chuyên gia Nga thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. Qua hơn 20 năm sử dụng, cầu nhiều lần xuống cấp và được tu sửa. |