Ngày 20-7, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết ngày 8-8-2020, đơn vị này sẽ khởi công xây dựng, sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Theo đó, ngành đường bộ sẽ đóng cây cầu này và tổ chức phân luồng phương tiện từ xa. Xe máy, xe thô sơ vẫn được lưu thông qua tầng 1 của cầu.
Mặt cầu Thăng Long xuống cấp nhiều năm nay. Ảnh: V.LONG
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, để khắc phục tình trạng mặt cầu hiện nay, đơn vị thi công sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; Tiếp đó sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép, lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Cuối cùng, nhà thầu thi công sẽ làm lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận. Dự án có tổng mức đầu tư gần 270 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.
Khánh thành từ năm 1985, cầu Thăng Long là công trình giao thông huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với vùng ngoại thành và các tỉnh phía bắc. Từ năm 2009, cầu trải qua cuộc đại tu (công nghệ Mỹ) đầu tiên do mặt cầu cũ có nhiều điểm hư hỏng.
Sau đợt đại tu với chi phí gần 100 tỉ đồng, lớp bê tông nhựa mới trải nhanh chóng bị trượt xô, hư hỏng. Mặt cầu Thăng Long trải qua nhiều đợt tu sửa nữa nhưng đến nay vẫn bị trồi lún, nứt xẻ rãnh gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Những "miếng vá" thường xuyên được bổ sung để gia cố mặt cầu, vết vá sau đè lên vết vá trước. Theo một số tài xế, chỉ sau vài trận mưa lớn là các vị trí vá nhanh chóng bị xói lở, lún nứt.
Sự gia tăng trọng tải, lưu lượng phương tiện cùng với sự "già nua" của hệ thống bản thép mặt cầu là nguyên nhân chính khiến cho cầu Thăng Long xuống cấp nhanh chóng trong vài năm gần đây.
Sau nhiều năm nằm trong sự quản lý của Tổng cục Đường bộ, từ năm 2009, cầu Thăng Long được Bộ GTVT lên phương án bàn giao cho TP Hà Nội. Tuy nhiên, chính quyền thành phố nhiều lần từ chối nhận bàn giao hoặc vừa nhận đã phải trả lại do tình trạng hư hỏng chưa được khắc phục triệt để.