'Làm đường bộ không nên copy công nghệ'

Sáng 26-12, chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục Đường bộ, ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT), lưu ý ngành đường bộ về chất lượng công trình đường bộ.

Theo ông Đức, hiện trên thị trường có rất nhiều công nghệ thi công đường bộ mới nhưng phải lựa chọn và sử dụng công nghệ gốc, không được phép dùng công nghệ copy (sao chép).

Bộ trưởng Bộ GTVT kiểm tra mặt cầu Thăng Long vào giữa tháng 8-2019. Ảnh: V.LONG

“Chúng ta đã có bài học đắt giá trong sử dụng công nghệ mới, đó là công nghệ áp dụng cho mặt cầu Thăng Long, đơn vị thực hiện copy lại công nghệ của người khác. Vì vậy khi xảy ra sự cố của dự án, không quy được trách nhiệm cho ai…” - ông Đức dẫn chứng.

Với cầu Thăng Long, theo ông Đức, hiện sức ép sửa chữa sớm rất lớn vì tuyến đường trên cao đoạn Phạm Văn Đồng sắp hoàn thành, cầu cần được sửa chữa hoàn chỉnh để khai thác toàn tuyến.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết để sửa chữa mặt đường cầu Thăng Long, cơ quan này đang trình với Bộ GTVT phương án sửa chữa bằng công nghệ Bridge Deck Membrane (BDM) của Mỹ.

Theo công nghệ BDM, nhà thầu sẽ thi công một lớp phủ phòng nước có tính năng dính bám tốt bản mặt cầu thép và lớp bê tông nhựa phía trên. Lớp phủ này có khả năng hàn gắn, che phủ các vết nứt và chống thấm tốt, có thể bảo vệ kết cấu khỏi bị rỉ sét, ăn mòn và có khả năng kháng các hóa chất như xăng, dầu, acid...

Phương án này còn có lợi thế là thi công trên các bề mặt không đồng nhất, trong điều kiện khắc nghiệt từ -4 độ C đến hơn 200 độ C. Nếu lớp bê tông nhựa bề mặt cầu hư hỏng thì có thể thảm lớp bê tông nhựa trên lớp BDM nhiều lần.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt phương án, Tổng cục Đường bộ sẽ tiến hành lập dự án, đấu thầu rộng rãi nhà thầu thi công sửa chữa cầu Thăng Long trong năm 2020.

Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án sửa chữa cầu Thăng Long từ 180 đến 200 tỉ đồng, từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ.

Sau hơn 20 năm sử dụng, cầu Thăng Long bị hư hỏng bề mặt. Mặc dù đã được sửa chữa lớn hai lần và duy tu thường xuyên song tình trạng xuống cấp vẫn xảy ra.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, nối liền các tỉnh phía bắc với thủ đô Hà Nội. Cầu được các chuyên gia Nga thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm