Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Greenlines DP, cho biết 7 giờ sáng 19-7 hai tàu cao tốc của đơn vị sẽ đi từ bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) đến bến phà Rạch Miễu (tỉnh Bến Tre và Tiền Giang) để vận chuyển 40 tấn rau, củ về TP.HCM.
"Chúng tôi đã chuẩn bị năm tàu cao tốc với khả năng vận chuyển 100 tấn hàng hóa mỗi ngày từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về TP.HCM. Việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy sẽ giúp giảm áp lực giao thông đường bộ khi thực hiện Chỉ thị 16, nhất là việc vận chuyển hàng hóa, lương thực thiết yếu từ các tỉnh về TP HCM."- ông Hải nói.
Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy từ các tỉnh ĐBSCL về TP.HCM và ngược lại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở GTVT TP.HCM quy định tàu phải đảm bảo công dụng chở hàng hóa và không chở quá khả năng khai thác theo quy định. Thuyền trưởng, thuyền viên phải được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và có giấy xét nghiệm âm tính theo quy định của Bộ Y tế.
Các phương tiện thủy nội địa khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, chỉ cử một thuyền viên lên bờ làm thủ tục cảng vụ, các thuyền viên khác không được lên bờ. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo và thực hiện các thủ tục cảng vụ online tại các cảng, bến thủy nội địa, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Những tàu thủy này không bố trí lực lượng bốc xếp. Việc bốc xếp hàng hóa do các đơn vị cung ứng hàng hóa tại địa phương chịu trách nhiệm.
Trong suốt quá trình di chuyển, tàu thủy không được dừng dọc đường. Sau mỗi chuyến vận chuyển và hàng hóa được bốc dỡ xong, phải được phun khử khuẩn trước khi khởi hành chuyến mới.
Lộ trình di chuyển của tàu cao tốc Tàu cao tốc sẽ đi từ các cảng, bến thủy nội địa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đến bến Bạch Đằng (TP.HCM) và ngược lại. |