Sân bay nhộn nhịp nhưng bến xe, nhà ga vắng hoe

Mỗi năm, đến thời điểm này người dân bắt đầu đổ dồn đến sân bay, bến xe, nhà ga để về quê đón tết. Tuy nhiên, năm nay trái ngược với hình ảnh đó là khung cảnh vắng vẻ đến lạ ở các bến xe, nhà ga. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, lượng hành khách có vẻ sôi động dù không tấp nập như mọi năm.

Dịch bệnh được kiểm soát tốt, khách từ sân bay Tân Sơn Nhất đảo chiều đông đúc những ngày cận tết. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Trái ngược là hình ảnh sảnh chờ tại Bến xe Miền Tây trống trơn, chỉ lác đác một số hành khách mua vé. (Ảnh chụp vào chiều 24 tết) Ảnh: THU TRINH

Khách vẫn chọn hàng không để di chuyển

Tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất, ngày 5-2, lượng khách đi lại dù không tấp nập như các năm trước nhưng bảng điện tử liên tục cập nhật tần suất khai thác các chuyến bay đi/đến các sân bay cả nước khá dày đặc. Dữ liệu trên trang Flightradar24 cũng thể hiện lượng máy bay di chuyển trên hai đường băng sân bay Tân Sơn Nhất khá tấp nập.

Sau bốn ngày liên tiếp lượng khách lớn các tỉnh phía Bắc và miền Trung ồ ạt đổi ngày bay, hoàn vé vì lo ngại dịch bệnh về quê bị cách ly khiến các đại lý chật vật để xử lý vé cho khách hàng. Tuy nhiên, đến ngày 4-2, làn sóng này đã chựng lại, khách hủy vé đã quay lại đặt vé trên nhiều chặng bay khi các hãng tung ra các gói khuyến mãi ngay cao điểm tết.

Hiệu ứng lo ngại dịch đã khiến giá vé trên mạng bay nội địa lao dốc trong ngày 4-2, cá biệt trên chặng bay TP.HCM đi Hà Nội giá vé giảm 1 triệu đồng/vé. Các hãng mở bán giá thấp chưa từng thấy 99.000-399.000 đồng/vé/chiều (chưa gồm thuế phí) với các khung giờ bay. Nhiều khách chớp cơ hội này trả vé chịu mất phí, sau đó mua lại giá rẻ hơn cả triệu đồng.

Tuy nhiên, đến sáng 5-2, giá vé lại đảo chiều trở về vị trí cũ. Trên đường bay TP.HCM - Hà Nội bình quân mỗi ngày có khoảng 100 chuyến bay do năm hãng hàng không khai thác. Lịch bay phủ kín các khung giờ ngày và đêm hiện có giá 2,6-3 triệu đồng/chiều đã gồm thuế phí.

Đại diện Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco) đánh giá nhu cầu đi lại dịp tết của khách đang ổn định trở lại. Trong đó, khách tập trung trên chặng bay từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc, miền Trung. Riêng chặng bay TP.HCM - Hà Nội những ngày giáp tết có tỉ lệ lấp đầy 80%-95%.

Ngoài đường bay vàng TP.HCM - Hà Nội, tám chặng bay khác cũng có lượng khách đạt từ 83% trở lên. Cụ thể, TP.HCM - Vinh (85%), Thanh Hóa (88%), Cam Ranh (87%), Buôn Ma Thuột (93%); Hà Nội - Huế (93%), Đồng Hới (96%), Cam Ranh (83%), Phú Quốc (89%).

Bến xe vắng bóng hành khách ngày 24 tết

Ghi nhận của PV ngày 5-2 tại hai bến xe Miền Đông và Miền Tây, mặc dù đang là thời điểm cận tết Nguyên đán nhưng bến xe rất vắng vẻ, đìu hiu.

Tại Bến xe Miền Đông, hàng chục quầy vé trong bến chỉ có một số khách vào mua vé. Khu sảnh lớn cho khách chờ mua vé, phòng chờ xe cũng trống vắng lạ thường. Thỉnh thoảng có vài hành khách là các sinh viên ra bắt xe về quê. Khu vực bến bãi, các tuyến đi các tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông, Phan Rang thường rất đông khách nhưng đến nay nhiều xe vẫn còn nằm bãi.

Một chủ nhà xe chạy tuyến Đắk Nông cho biết: “Chưa năm nào 24 tết mà tôi rảnh rang như năm nay. Nhiều khách gọi điện thoại đến nhà xe yêu cầu hỗ trợ đổi vé, chúng tôi vẫn hỗ trợ hết mình, vì vậy một xe xuất bến chỉ tầm 10 khách”.

Ông Đinh Văn Cường (quê Quảng Ngãi) chia sẻ một năm mới về quê một lần nhưng vì dịch COVID-19 chưa ổn nên đến “phút 90”, ông quyết định trả vé ở lại TP.HCM ăn tết cho an toàn.

Tương tự, tại Bến xe Miền Tây, từ khu vực cổng đến các sảnh chờ khách đều trống vắng. Hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng vắng vẻ, lượt người vào bến xe thưa thớt.

Trao đổi với PV, ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết bến xe năm nay vắng hơn mọi năm, lượt xe xuất bến và hành khách giảm 20%-30%. Hôm nay lượt xe xuất bến là 12.000 lượt, lượt hành khách khoảng 26.000 hành khách. “Do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, người dân bất ngờ thay đổi lịch trình ở lại TP.HCM ăn tết. Mặt khác, do nhiều tuyến ở tâm dịch chúng tôi cũng ngừng hoạt động như các tuyến Gia Lai, Hải Dương, Quảng Ninh” - ông Chín nói.

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cũng cho biết lượng hành khách sẽ tập trung đi lại và tăng cao từ ngày 27 tháng Chạp. Dự báo lượng hành khách tại bến xe năm nay sẽ giảm 10%-15% so với năm 2020.

Theo ông Phương, lượng hành khách giảm một phần là do dịch bệnh nên TP.HCM khuyến cáo người dân nên ở lại TP ăn tết. Ngoài ra, tuyến đường đi các tỉnh miền Tây là tuyến đường gần nên nhiều người về trễ hoặc chủ động đi bằng xe máy vì ngại nguy cơ lây nhiễm.

“Nếu xảy ra tình trạng ùn tắc vào ngày cao điểm, chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với thanh tra giao thông hỗ trợ xử lý, giải tỏa tình trạng kẹt xe trước bến xe. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long phân luồng giao thông trục đường quốc lộ 1 từ cầu Mỹ Thuận đến đường dẫn cao tốc, khu vực cầu Rạch Miễu và cầu Mỹ Thuận. Đặc biệt khu vực tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương và ngược lại trong các ngày cao điểm” - ông Phương thông tin.

Đường sắt hủy hàng loạt đoàn tàu tết

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa thông báo cắt bỏ hàng loạt tàu tết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm.

Cụ thể, tạm ngừng chạy các chuyến tàu giữa Hà Nội - Vinh gồm tàu SE35 xuất phát tại Hà Nội ngày 5, 7, 8-2; tàu SE36, NA2 xuất phát tại Vinh ngày 5, 7, 8-2. Tuyến Hà Nội - Lào Cai hủy chuyến tàu SP3 xuất phát ga Hà Nội ngày 5 và 8-2; tàu SP4 xuất phát ga Lào Cai ngày 7-2.

Tuyến phía Nam điều chỉnh hành trình tàu SE29 xuất phát ga Hà Nội ngày 8-2, kết thúc hành trình tại ga Vinh, thay vì ga Sài Gòn như kế hoạch.

Cùng đó, đường sắt cũng tạm ngừng chạy các tàu SE30 xuất phát từ ga Sài Gòn ngày 10, 19, 20-2; tàu SE16 xuất phát từ ga Sài Gòn ngày 19, 20-2; tàu SE10 xuất phát từ ga Sài Gòn ngày 27, 28-2; tàu SE29 xuất phát từ ga Hà Nội ngày 21, 22-2 và tàu SE15 xuất phát từ ga Vinh ngày 20, 21-2. “Đối với hành khách có vé tàu bị tạm ngừng sẽ được chuyển vé sang các đoàn tàu khác…” - ngành đường sắt thông tin.

Tại ga Sài Gòn, chiều 5-2 vẫn có người dân tới mua vé để về quê mặc dù số lượng này khá ít nhưng cho thấy người dân bắt đầu lên kế hoạch đi trở lại. Trong đó, số ít người đã hoàn vé, bảo lưu vé trước đó đã đến mua lại.

Ông Nguyễn Ánh Luyện, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết mặc dù số lượng người dân di chuyển bắt đầu đông hơn nhưng vẫn ít so với các năm trước. Số lượng vé vẫn biến động liên tục bởi người dân còn phụ thuộc vào việc các địa phương phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào. Theo ông Luyện, ngành đường sắt khác với ngành hàng không ở chỗ khi đi từ TP.HCM ra Hà Nội sẽ phải dừng trả khách và đón khách tại nhiều điểm. Do vậy, hành khách lo ngại khó kiểm soát khách lên tàu.

Còn ông Lê Quốc Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết đến thời điểm hiện tại lượng hành khách trả vé ít hơn so với trước đó bởi diễn biến dịch đang dần ổn định nên người dân cũng bớt lo ngại hơn.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về hoạt động vận tải và tình hình an toàn giao thông. Thời gian tiếp nhận phản ánh từ ngày 27 tháng Chạp tới mùng 7 tháng Giêng.

Theo đó, người dân phản ánh các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, gọi số 0995.67.67.67 hoặc 069.2342608 (Cục CSGT), nhận phản ánh các hành vi như xe chở quá số người, tăng giá vé quá quy định, chèn ép hành khách, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông…

Phản ánh các thông tin về tình trạng quá tải tại nhà ga, bến xe; công tác bán vé, hành vi tăng giá vé quá quy định, chạy sai luồng tuyến, liên hệ số điện thoại 0912.125.055.

 

Hàng không triển khai hàng loạt biện pháp ứng phó COVID-19

Nguồn tin từ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất chia sẻ với PV cho biết mọi dự tính cho kế hoạch khai thác cao điểm tết năm nay bị đảo lộn do tâm lý thận trọng đi lại của khách vì COVID-19. Những ngày vừa qua lượng khách sụt giảm còn 70% so với năm trước, dù cảng đã triển khai hàng loạt biện pháp ứng phó để khách đi lại thuận lợi, an toàn.

Theo kế hoạch dự kiến trước đó, các ngày cao điểm rơi vào ngày 29 tháng Chạp và mùng 5 tết nhưng số lượng khách bay trong thời điểm này vẫn còn diễn biến từng ngày. Trong khi các năm trước, thời gian cao điểm lên hơn 100.000 khách.

Theo nhận định của Cục Hàng không Việt Nam, ngày 6-2, tổng số chuyến bay của các hãng tiếp tục tăng với 746 chuyến với tổng số khách đạt 104.000 người. “Mặc dù vẫn còn tâm lý thận trọng đi lại bằng đường hàng không nhưng với xu thế tăng trong hôm nay và mấy ngày tới có thể thấy hành khách vẫn coi vận tải hàng không là phương tiện giao thông an toàn và thuận tiện để phục vụ nhu cầu đi lại của mình trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021” - Cục Hàng không đánh giá. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm