Ngày 13-11, UBND TP Cần Thơ có công văn về việc đưa Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn Km0 – Km7, gọi tắt QL 91 đoạn 7km) trên địa bàn TP Cần Thơ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ.
Quốc lộ 91 đoạn Km07 về trung tâm TP Cần Thơ sau nhiều năm đưa vào kế hoạch đến nay vẫn chưa được cải tạo. Ảnh: NHẪN NAM
Theo đó, UBND TP cho biết, QL 91 đi qua địa phận TP Cần Thơ có chiều dài gần 51 km. Đây là một trong các tuyến QL quan trọng nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đóng vai trò là trục ngang giao thông đối ngoại huyết mạch nối TP Cần Thơ với các tỉnh An Giang, Kiên Giang và đi biên giới Campuchia.
QL 91 còn là đầu mối giao thông kết nối ba tuyến QL là QL 1, QL 91B và QL 80 với tuyến cao tốc Lộ Tẻ- Rạch Sỏi chuẩn bị đưa vào sử dụng từ tháng 12-2020.
Hiện nay, mật độ phương tiện tham gia giao thông rất cao, có rất nhiều xe tải nặng, xe container vận chuyển hàng hóa từ các địa phương lân cận, từ các khu công nghiệp (Thốt Nốt, Trà Nóc, nhà máy điện Ô Môn…), từ các hệ thống cảng Sông hậu đi và đến TP.HCM và ngược lại với lưu lượng ngày càng gia tăng.
QL 91 đi qua TP Cần Thơ được Bộ GTVT đầu tư thông qua ba dự án. Trong đó, Dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp (đoạn Km7 – Km14) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015 với quy mô chiều dài tuyến 7 km, mặt cắt ngang 37 m.
Quốc lộ 91 đoạn Km07-Km14 đã mở rộng rất đẹp, nhưng tới Km07 bị thắt lại nên xe tải phải đi một đoạn ngược chiều trên đường mới để vào đường cũ (đoạn Km07-Km00). Ảnh: NHẪN NAM
Dự án nâng cấp, cải tạo QL 91 (đoạn Km14 – Km50+899) theo hình thức BOT cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015 với quy mô đường cấp III đồng bằng, bề rộng 12 m.
Riêng dự án mở rộng QL 91 đoạn 7 km còn lại này, trước đây UBND TP Cần Thơ có quyết định phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư là 1.398 tỉ đồng, sử dụng vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ đang triển khai dở dang công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (đã giải ngân 65 tỉ đồng) nhưng dự án bị đình hoãn theo Nghị quyết 11/2011 của Chính phủ.
Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, dự án mở rộng QL 91 đoạn 7 km này đã được UBND TP bàn giao cho Bộ GTVT trong năm 2014 để tiếp tục lập kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng.
Việc mở rộng không đồng bộ tạo ra "nút thắt cổ chai" trên Quốc lộ 91 ngay Km07. Ảnh: NHẪN NAM
Theo UBND TP, trong hai năm 2015 và 2017, Văn phòng Chính phủ có hai văn bản truyền đạt ý kiến của hai Phó Thủ thủ tướng đều xếp dự án trên vào kế hoạch đầu tư 2016-2020. Nhưng đến tháng 4-2017, Bộ GTVT có công văn gửi Thủ tướng báo cáo là chưa cân đối bố trí được nguồn vốn ngân sách để đưa dự án vào giai đoạn 2016-2020. Và đến năm 2020, Bộ GTVT có văn bản đề nghị UBND TP Cần Thơ tiếp nhận lại dự án và chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư…
Theo UBND TP, từ khi hai dự án nâng cấp cải tạo QL 91 (từ đoạn Km7 đến Km 50+899) hoàn thành đưa vào sử dựng cuối năm 2015 đã tạo áp lực rất lớn về giao thông lên đoạn còn lại (Km0-Km7) do không đồng bộ.
Tình hình giao thông trên đoạn này diễn biến ngày càng phức tạp, hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng do mặt đường nhỏ, hẹp, lưu lượng gia tăng đột biến. Đặc biệt do cao trình hiện hữu thấp, hệ thống thoát nước quá nhỏ nên hàng năm khi mưa lớn và triều cường thường xuyên gây ngập nặng…
Tình trạng kẹt xe thường xuyên khi vào giờ cao điểm trên Quốc lộ 91 đoạn Km00-Km07. Ảnh: NHẪN NAM
Ngập nước khi mưa lớn và triều cường cũng thường xuyên xảy ra. Trong ảnh là đoạn ngập trên đường Cách Mạng Tháng Tám - tên gọi trong đô thị của Quốc lộ 91 (đoạn Km00-Km07, trước sân vận động Quân khu 9). Ảnh: NHẪN NAM
Nước ngập lâu ngày không thoát được tạo thành váng rêu xanh bên đường nhìn mất mỹ quan và mất vệ sinh. Ảnh chụp trên đường Lê Hồng Phong - tên gọi khác của Quốc lộ 91 (đoạn Km00-Km07 ) trong nội ô TP. Ảnh:NHẪN NAM
“Vì vậy, việc sớm triển khai dự án Nâng cấp, cải tạo QL 91 (đoạn Km0-Km7) là rất cần thiết trong giai đoạn 2021-2025, để tạo sự đồng bồ trên toàn tuyến QL 91 qua địa bàn TP Cần Thơ, nâng cao năng lực và chất lượng khai thác vận tải, giúp chỉnh trang đô thị, giảm tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội…” – văn bản của UBND TP nêu.
Từ đó, UBND TP đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cho Bộ GTVT vẫn tiếp tục triển khai dự án nâng cấp, cải tạo QL 91 đoạn 7km nêu trên và giao cho Bộ KH&ĐT phối hợp Bộ GTVT đưa dự án này vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.