Nhà máy thủy điện Hòa Bình là niềm tự hào to lớn về ý chí và nghị lực phi thường của người công nhân điện Việt Nam.
Nguồn điện chủ lực của Việt Nam
Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn thứ hai ở Việt Nam và cũng là một trong các công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam.
Ngày 9-11, Công ty Thủy điện Hòa Bình (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển, ghi dấu một chặng đường nhiều gian lao, thử thách để đưa Thủy điện Hòa Bình trở thành một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Thủy điện Hòa Bình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng năm 1979, hòa lưới tổ máy số 1 vào cuối năm 1988 với tổng công suất lắp đặt là 1.920 MW. Trải qua 30 năm vận hành, Thủy điện Hòa Bình đã thực sự phát huy vai trò là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu, hồ chứa công trình đã tham gia điều tiết cắt lũ, giảm lũ hiệu quả cho hạ du. Việc vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện Hòa Bình với dung tích 9 tỉ m3 đã giúp cho vùng đồng bằng Bắc bộ cơ bản không còn xảy ra tình trạng ngập lụt.
Trong 30 năm qua kể từ khi nhà máy đi vào vận hành đến nay, đã xuất hiện hàng chục trận lũ lớn trên 10.000 m3/giây; điển hình là các trận lũ lớn lịch sử xuất hiện vào tháng 8-1996 có lưu lượng hơn 22.650 m3/giây; trận lũ muộn xuất hiện tháng 10-2017 (khi hồ chứa đã đầy) có lưu lượng gần 16.000 m3/giây với những diễn biến rất phức tạp, khó lường nhưng đều được chế ngự; giữ vững an toàn công trình và vùng hạ du đồng bằng Bắc bộ.
Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn thứ hai ở Việt Nam và cũng là một trong các công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam, góp phần đưa quy mô nguồn điện Việt Nam đứng thứ 25 trên thế giới và đứng thứ hai ASEAN, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Cắt lũ, giảm lũ, chống hạn
Với quy mô là nhà máy thủy điện lớn trong hệ thống điện quốc gia, thủy điện Hòa Bình được đảm nhận vai trò chính trong việc điều chỉnh tần số và điện áp của hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh nhiệm vụ chính là cắt lũ, giảm lũ và phát điện, thủy điện Hòa Bình còn đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng và tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất khác.
Lượng nước xả từ hồ Hòa Bình phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều tỉnh, thành ở đồng bằng Bắc bộ chiếm 65%-70% tổng lượng xả từ tất cả hồ thủy điện lớn ở phía Bắc. Không chỉ vậy, trong suốt mùa cạn, nhà máy thực hiện phương thức phát điện duy trì dòng chảy tối thiểu luôn lớn hơn dòng chảy tự nhiên để nâng mức nước hạ lưu thêm 0,6÷2,5 m, giúp các phương tiện thủy trên sông Đà và sông Hồng được lưu thông dễ dàng.
Hằng năm, Công ty Thủy điện Hòa Bình còn đóng góp nguồn kinh phí đáng kể vào ngân sách của Nhà nước và địa phương. Những năm gần đây, công ty đã nộp ngân sách cho tỉnh Hòa Bình 1.000-1.400 tỉ đồng/năm, nộp thuế tài nguyên cho tỉnh Sơn La 300-450 tỉ đồng/năm, đóng góp tiền dịch vụ môi trường rừng cho sáu tỉnh thuộc lưu vực phía thượng nguồn sông Đà trên 200 tỉ đồng/năm.
Với lợi thế nhà máy ngầm trong núi, đập và hồ chứa lớn, có nhiều quần thể kiến trúc, cảnh quan đẹp, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã phối hợp cùng ngành du lịch tỉnh Hòa Bình để khai thác nhiều loại hình dịch vụ du lịch phù hợp, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Với những đóng góp hết sức to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ngày 20-1-2017, Thủ tướng đã ký quyết định về việc đưa Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Đến tháng 7-2018, Nhà máy thủy điện Hòa Bình được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình”, trở thành niềm tự hào to lớn về ý chí và nghị lực phi thường của người công nhân điện Việt Nam.