TP.HCM cần chi 21.000 tỉ đồng cho giao thông thủy

Sở GTVT TP.HCM tính toán trong 30 năm tới, TP cần hơn 21.000 tỉ đồng đầu tư nhằm phát huy lợi thế 110 tuyến sông, rạch tổng chiều dài 1.000 km trên địa bàn.

Tổng vốn này gồm hơn 4.100 tỉ đồng đầu tư cho luồng tuyến và các dự án cảng cùng chi phí duy tu, bảo trì các tuyến đường thủy mỗi năm khoảng 570 tỉ đồng (trong 30 năm cần hơn 17.000 tỉ đồng).

Sở GTVT cho biết tỉ trọng đầu tư cho đường thủy nội địa so với việc đầu tư toàn ngành giao thông vận tải là chưa cao. Theo thống kê cho thấy trong khi vận tải đường thủy nội địa chiếm 48% tổng tải trọng vận chuyển của cả nước thì 80% đầu tư cho ngành giao thông vận tải lại dành cho mạng lưới đường bộ.

giao-thong-thuy

Theo đánh giá giao thông thủy hiện chưa được đầu tư đúng tầm.

Cụ thể, tại TP.HCM sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy năm 2019 chiếm 34,6% so với vận tải bằng đường bộ. Tuy nhiên, tỉ trọng đầu tư cho đường thủy trong năm năm gần đây chỉ đạt 5,4% so với đầu tư cho việc xây dựng mạng lưới đường bộ.

Trong đó, tổng số vốn đầu tư cho mạng lưới giao thông đường thủy là 1.488 tỉ đồng so với 27.000 tỉ đồng cho giao thông đường bộ.

Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết đơn vị đã có chương trình phát triển mạng lưới đường thủy nội địa tại TP.

Trong đó, Sở GTVT sẽ tập trung vào ba hướng liên kết gồm: bốn tuyến từ nội thành đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè; ba tuyến kết nối khu Đông TP tới cảng Cát Lái (quận 2) và hai tuyến cảng Vành đai.

Đồng thời, nhằm tăng kết nối vùng TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, Sở sẽ thông qua năm tuyến đường thủy nội địa gồm: Sài Gòn - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây) và Sài Gòn - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai), Sài Gòn - Thị Vải, Sài Gòn - Bến Súc, Sài Gòn - Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông).

Đối với hướng về các tỉnh Tây Nam bộ cũng có năm tuyến: Duyên hải Sài Gòn - Cà Mau và tuyến ven biển từ TP.HCM đến Kiên Giang, Sài Gòn - Hà Tiên, Sài Gòn - Kiên Lương, Sài Gòn - Cà Mau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm