TP.HCM: Mục tiêu năm 2030 giảm 10% phát thải

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP.HCM. Kế hoạch hành động đã đưa ra các mục tiêu cụ thể để các đơn vị có liên quan thực hiện.

Hoàn thiện chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu

TP.HCM là một trong những TP chịu ảnh hưởng bởi BĐKH nên TP đã đặt ra mục tiêu cụ thể để ứng phó. Một trong những mục tiêu được TP đề ra là tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH đối với các rủi ro liên quan đến khí hậu của TP (hạn hán, nắng nóng, mưa lớn, nước biển dâng). Cạnh đó là phòng chống rủi ro thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh lương thực, an sinh xã hội, cộng đồng lành mạnh và phát triển bền vững.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các yếu tố khí hậu ở TP.HCM thay đổi
nên gây ra tình trạng ngập khi mưa lớn kéo dài. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ngoài ra, mục tiêu của TP.HCM là đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Mục tiêu khác là lồng ghép các hành động ưu tiên thích ứng và giảm thiểu vào quy hoạch ngành và TP, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH, hợp tác quốc tế và kêu gọi hỗ trợ, đầu tư.

Mục tiêu được đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 là tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng phó với BĐKH; kế thừa và triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, dự án ưu tiên nhằm nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra.

Đồng thời, TP nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường quản lý nhà nước về BĐKH, thúc đẩy lồng ghép thích ứng BĐKH và quy hoạch, kế hoạch. TP cũng tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.

Mục tiêu trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, lồng ghép các hoạt động trong triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, cộng đồng và hệ sinh thái để tăng khả năng chống chịu trước BĐKH và sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Đồng thời, TP triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tận dụng các cơ hội của BĐKH để phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp…

Đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho từng ngành, nghề

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND TP.HCM đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm cho từng ngành, nghề. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng đến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ đó, ngành này sẽ định hướng, đề xuất các giải pháp ứng phó cho phù hợp. Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ triển khai các chương trình, dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH mang tính cấp bách trên cơ sở phân tích chi phí hợp lý, phù hợp với nguồn lực mang lại hiệu quả.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài nguyên môi trường là quản lý dự trữ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo về nguy cơ BĐKH, rủi ro thiên tai. Đồng thời, ngành cần ứng dụng các công nghệ trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải theo hướng tái sinh nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Ngành cũng cần quản lý, kiểm kê phát thải khí nhà kính trên địa bàn TP, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo ngành, lĩnh vực.

Ngành xây dựng và quy hoạch đô thị sẽ đánh giá tác động của BĐKH đến các khu quy hoạch xây dựng mới, xây dựng mô hình đô thị thông minh ứng phó với BĐKH, chống ngập và nâng cao hệ thống thoát nước. Các cơ quan này sẽ đánh giá tác động của BĐKH với việc cung cấp nước sạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể cấp nước xem xét đến khả năng ứng phó với tác động của BĐKH…

 

Bảo vệ môi trường nhìn từ mô hình tại quận 1

Để bảo vệ môi trường, giảm ngập nước, thời gian qua UBND quận 1 (TP.HCM) đã thực hiện nhiều kế hoạch cụ thể.

Theo đó, quận 1 đã trồng thêm nhiều cây xanh, mảng xanh trên địa bàn, tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần khó phân hủy. BV quận 1 phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP đảm bảo công tác phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải, nước thải y tế theo quy định.

Đồng thời, UBND 10 phường trên địa bàn quận 1 đã phân công các cán bộ, công chức phụ trách trên từng tuyến đường, tuyến hẻm tuyên truyền, theo dõi và giám sát, kịp thời phát hiện tình trạng tập kết rác sinh hoạt, nắp cống bị bít chắn, mất cắp, lún sụp hệ thống thoát nước và báo cáo về lãnh đạo UBND phường để kịp thời xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm