Sáng 30-3 Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo “TP.HCM – tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”.
Đô thị đảo phải có mô hình riêng
Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng Cục phó Tổng Cục Biển đảo Việt Nam, đã có bài phát biểu về hệ sinh thái đô thị biển đa chiều với các cực không gian kinh tế biển ở nước ta.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng Cục phó Tổng Cục Biển đảo Việt Nam. Ảnh: VietNamnet
Ông cho rằng muốn phát triển các cực kinh tế biển để thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế ven biển - biển - đảo thì chúng ta phải xem xét đồng bộ việc kết nối các đô thị ven biển cũ và mới, sớm hình thành chuỗi đô thị đảo, kể cả đô thị nổi trên biển và đặt chúng trong một chỉnh thể không gian: ven biển - biển - đảo.
Trước tiên, cần xem thử việc chỉnh trang, nâng cấp các đô thị biển cũ như thế nào, mô hình ra sao, sau đó sẽ hình thành các đô thị biển mới. Với cách tiếp cận đó, nhìn lại các đô thị biển cũ như Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Vũng Tàu... và các khu đô thị mới tiềm năng như Vũng Áng, Dung Quất sẽ thấy rõ đây là những đô thị ven biển hình thành một cách tự nhiên, dựa trên định hướng mối quan hệ giữa: cảng - biển - đô thị.
Trên cơ sở xem xét, nghiên cứu như vậy sẽ tìm ra mô hình mới đa dạng, hiệu quả, thích hợp, kế thừa và độc đáo. “Ngoài đảo cũng vậy, đô thị đảo phải có mô hình riêng, phải giải quyết tốt mối quan hệ tương tác giữa đất và biển, "thuận thiên" và hài hòa các lợi thế, lợi ích từ biển và đất trên đảo” – ông Hồi nói và cho rằng kinh tế đảo, vì thế cũng phát triển theo hướng đô thị thông minh, xanh và bền vững dựa vào bảo tồn.
Theo ông Hồi, trong bối cảnh có sự chuyển dịch rõ rệt cấu trúc an ninh - chính trị trên thế giới, trong khu vực và Biển Đông nằm trong “gọng kìm” của các sáng kiến nước lớn, thì ngoài việc củng cố các đô thị ven biển, phát triển đô thị đảo, Việt Nam cần nghĩ đến xác lập các “đô thị nổi” trên biển ở những địa điểm phù hợp, có khả năng tạo ra “lực hút và đẩy” khi cần thiết.
Lý giải điều này, ông Hồi cho biết trong thực tế, đô thị biển ở nước ta hiện mới phát triển tập trung ở dải ven biển. Cuối năm 2020, lần đầu tiên Chính phủ cho phép chính thức xây dựng đô thị đảo Phú Quốc. Chứ hiện tại chưa hình thành “chuỗi đô thị đảo” theo đúng nghĩa của nó, cũng như chưa có “đô thị nổi” trên biển.
Trong khi đó, ở một số quốc gia trên thế giới, ngoài phát triển các đô thị ven biển đã có những đô thị đảo nổi tiếng từ những thế kỷ trước như ở các nước khu vực Địa Trung Hải, đô thị trên các đảo nhân tạo, đô thị “nổi trên biển” gắn với cảng biển nổi, sân bay nổi... cũng đã và sẽ được xây dựng ở các nước Trung Đông và Nhật Bản.
Các dạng đô thị biển này được xây dựng ban đầu từ vốn tự nhiên và vốn con người, quá trình phát triển sẽ tích tụ dân số và tăng vốn xã hội... “Đô thị nổi trên biển, như tên gọi của nó, phát triển dựa vào biển thay vì dựa vào đất đai như các dạng đô thị trên đất liền hay trên đảo. Nền tảng của đô thị biển, tùy theo vị trí của nó, phải là thế mạnh của kinh tế biển, kinh tế ven biển và kinh tế đảo” – ông Hồi nói.
Chuyển phát triển dựa vào đất sang dựa vào biển
PGS-TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng xu thế hiện nay của các nước trên thế giới có biển hay không có biển đều đang xoay trục từ phát triển dựa vào đất sang phát triển dựa vào biển. Tập trung ở các lĩnh vực như nghề nuôi biển, tài nguyên khoáng sản từ biển, năng lượng tái tạo (thủy triều, gió), an toàn và giám sát hàng hải, vận tải biển, công nghệ sinh học biển, du lịch biển…
Theo ông, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia biển mạnh, phát triển kinh tế và xã hội tiến biển bền vững để vượt điểm nghẽn thu nhập trung bình, hội nhập khu vực và quốc tế.
Riêng đối với TP.HCM, sẽ tiếp cận trực tiếp với biển tại vịnh Cần Giờ có diện tích 42.000 km2, làm chủ hàng hải quốc tế và nội địa thông qua nhóm cảng số 5 lớn nhất cả nước.
Để làm được điều này, TP.HCM cần giữ vững vai trò nhạc trưởng trong liên kết vùng với 8 tỉnh lân cận và là đầu mối giao thương quốc tế của Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong bối cảnh không gian vùng đang phát triển thành đa cực, đa trung tâm với sự xuất hiện các “cửa ngõ” hàng không và cảng biển quốc tế mới: Long Thành, Cái Mép - Thị Vải, Bến Tre, Trần Đề...
Mô hình phát triển trong tương lai gần của TP.HCM cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistic gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế tại vịnh Cần Giờ, tích tụ dân cư biển… tạo bước ngoặt thay đổi phương thức phát triển của TP.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng TP.HCM vẫn đang đứng trước cơ hội cạnh tranh để giành lại vị thế Hòn ngọc Viễn Đông xưa. Cơ hội lúc này rất lớn và phụ thuộc hoàn toàn vào giải pháp phát triển TP dựa trên những động lực hiện đại cho phát triển kinh tế trong kỷ nguyên văn minh thông tin.
Để làm được điều đó, TP.HCM phải vượt lên được trong cuộc cạnh tranh giữa các thành phố biển khu vực để hoàn thiện “con đường giao thương trên biển” nối giữa ba đại dương: Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương - Đại Tây Dương. Từ đó, sẽ đưa TP trở thành nơi tụ người trong nước và quốc tế, mở ra môi trường phát triển nhiều loại dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như tài chính, công nghệ, văn hoá.